Ngày nay, Internet đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Sự xuất hiện và phát triển của Internet đã thay đổi cách thức làm việc và trao đổi thông tin của mọi người, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của xã hội. Internet là một kho thông tin đồ sộ, chứa đựng vô vàn kiến thức và được phân tán khắp nơi trên thế giới. Các dịch vụ Internet ngày càng đa dạng và dễ sử dụng, giúp ích cho con người trong rất nhiều công việc. Để giúp bạn có được cái nhìn tổng quan về Internet, bài này sẽ giới thiệu một số nội dung cơ bản về Internet, bao gồm: Định nghĩa và lịch sử phát triển của Internet; các phương thức kết nối Internet; cấu trúc Internet; địa chỉ IP và tên miền … Nội dung bài này chủ yếu cung cấp các khái niệm và định nghĩa về Internet. Để học tốt bài này, sinh viên cần đọc kỹ các khái niệm và định nghĩa trong bài. Phải hiểu được rõ các khái niệm và định nghĩa này và nắm được mối quan hệ giữa chúng.
Tổng Quan Về Internet ? Internet là gì ?
I. Internet là gì ?
Internet là một liên mạng máy tính toàn cầu được hình thành từ các mạng nhỏ hơn, liên kết hàng triệu máy tính trên thế giới thông qua cơ sở hạ tầng viễn thông. Internet là mạng của các mạng máy tính. Trong mạng này, các máy tính và thiết bị mạng giao tiếp với nhau bằng một ngôn ngữ thống nhất. Đó là bộ giao thức TCP/IP (Transmision Control Protocol – Internet Protocol).
II. Lịch sử phát triển Internet ?
Internet được hình thành từ năm 1969, từ một dự án nghiên cứu của Bộ quốc phòng Mỹ. Lúc đó Internet chỉ liên kết 4 địa điểm: Viện Nghiên cứu Standford, Trường Đại học tổng hợp California ở LosAngeles, UC – Santa Barbara và Trường Đại học Tổng hợp Utah. Mạng này được biết đến dưới cái tên ARPANET. ARPANET càng phát triển khi có nhiều máy nối vào – rất nhiều trong số này là từ các cơ quan của Bộ quốc phòng Mỹ hoặc những trường đại học nghiên cứu với các đầu nối vào Bộ quốc phòng. Đây là những giao điểm trên mạng. Trong khi ARPANET đang cố gắng chiếm lĩnh mạng quốc gia thì một nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Palo Alto của công ty Xerox đã phát triển một kỹ thuật được sử dụng trong mạng cục bộ là Ethernet.
Theo thời gian, Ethernet trở thành một trong những chuẩn quan trọng để kết nối trong các mạng cục bộ. Cũng trong thời gian này, DARPA (đặt lại tên từ ARPA) chuyển sang hợp nhất TCP/IP (giao thức được sử dụng trong việc truyền thông trên Internet) vào phiên bản hệ điều hành UNIX của trường đại học tổng hợp California ở Berkeley. Với sự hợp nhất như vậy, những trạm làm việc độc lập sử dụng UNIX đã tạo nên một thế mạnh trên thị trường, TCP/IP cũng có thể dễ dàng tích hợp vào phần mềm hệ điều hành. TCP/IP trên Ethernet đã trở thành một cách thức thông dụng để trạm làm việc nối đến trạm khác.
Trong thập kỷ 1980, máy tính cá nhân được sử dụng rộng rãi trong các công ty và trường Đại học trên thế giới. Mạng Ethernet kết nối các máy tính cá nhân (PC) trở thành phổ biến. Các nhà sản xuất phần mềm thương mại cũng đưa ra những chương trình cho phép các máy PC và máy UNIX giao tiếp cùng một ngôn ngữ trên mạng. Vào giữa thập kỷ 1980, giao thức TCP/IP được dùng trong một số kết nối khu vực – khu vực (liên khu vực) và cũng được sử dụng cho các mạng cục bộ và mạng liên khu vực. Thuật ngữ "Internet" xuất hiện lần đầu vào khoảng 1974 trong khi mạng vẫn được gọi là ARPANET. Vào thời điểm này, ARPANET (hay Internet) còn ở qui mô rất nhỏ.
Mốc lịch sử quan trọng của Internet được chọn vào giữa thập kỷ 1980, khi Quỹ khoa học quốc gia Mỹ NSF (National Science Foundation) thành lập mạng liên kết các trung tâm máy tính lớn với nhau gọi là NSFNET. Mạng này chính là mạng Internet. Điểm quan trọng của NSFNET là cho phép mọi người cùng sử dụng. Trước NSFNET, chỉ các nhà khoa học, chuyên gia máy tính và nhân viên các cơ quan Chính phủ được kết nối Internet. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển từ ARPANET sang NSFNET. Chính vì vậy, sau gần 20 năm ARPANET trở nên không còn hiệu quả và đã ngừng hoạt động vào khoảng năm 1990.
Ngày nay, mạng Internet phát triển mạnh mẽ hơn các phương tiện truyền thông truyền thống khác như phát thanh và truyền hình, do sự cải tiến và phát triển không ngừng. Các công nghệ đang áp dụng trên Internet giúp cho Internet trở thành mạng liên kết vô số kho thông tin toàn cầu, có dịch vụ phong phú về nội dung, hình thức. Đó cũng chính là điều thúc đẩy chúng ta nên bắt đầu ngay với hành trình khám phá thế giới mới – thế giới Internet.
- Cấu trúc Internet : Internet là một liên mạng kết nối các mạng nhỏ hơn với nhau. Như vậy, cấu trúc Internet gồm các mạng máy tính được kết nối với nhau thông qua các kết nối viễn thông. Thiết bị dùng để kết nối các mạng máy tính với nhau là cổng nối Internet (Internet Gateway) hoặc Bộ định tuyến (Router). Tuy nhiên, đối với người dùng, Internet chỉ là một mạng duy nhất.
III. Phương thức kết nối
Để có thể sử dụng các dịch vụ Internet, người dùng phải kết nối máy tính của mình với Internet. Có nhiều phương thức kết nối với nhiều tốc độ khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng và điều kiện của người sử dụng.
A. Kết nối thông qua kênh thuê riêng
Trong phương thức kết nối này, máy tính hay mạng máy tính của người sử dụng được kết nối trực tiếp tới nhà cung cấp dịch vụ Internet thông qua một kênh thuê riêng do nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông cấp. Đặc điểm của phương thức này là kết nối luôn thường trực, nghĩa là bạn có thể truy nhập Internet bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, giá thành sử dụng kết nối này rất cao vì bạn phải trả tiền thuê bao theo tháng chứ không phải trả theo dung lượng sử dụng. Phương thức kết nối này thường được những nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến sử dụng.
B. Kết nối quay số qua mạng điện thoại
Trong phương thức kết nối này, người dùng kết nối với Internet thông qua mạng điện thoại. Để kết nối, người dùng cần có một đường điện thoại và một thiết bị kết nối có tên modem. Máy tính của người dùng kết nối với Modem và modem được kết nối tới đường điện thoại. Hiện nay, dịch vụ kết nối này đều được các nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông cung cấp. Khi người sử dụng đăng ký, nhà cung cấp sẽ cấp cho họ một tài khoản để truy nhập và số điện thoại cần gọi. Kết nối kiểu này không luôn thường trực. Khi muốn sử dụng dịch vụ, người dùng phải quay số đến số điện thoại do nhà cung cấp dịch vụ cấp. Sau đó nhập tên truy nhập và mật khẩu để đăng nhập. Kiểu kết nối này thường được người dùng cá nhân sử dụng vì giá thành rẻ và dễ lắp đặt.
C. Kết nối qua ADSL
Kết nối Internet qua ADSL là một dịch vụ mới và đang rất phổ biến. ADLS là công nghệ truy nhập bất đối xứng, tốc độ đường xuống lớn hơn tốc độ đường lên. Đặc điểm này rất phù hợp với truy nhập Internet vì người dùng thường lấy thông tin từ Internet xuống nhiều hơn gửi thông tin lên Internet. Người dùng có thể đăng ký dịch vụ này ngay trên đường dây điện thoại sẵn có của mình chứ không nhất thiết phải mắc thêm một đường dây mới. Để sử dụng, người dùng cần có ADLS modem. Máy tính của người dùng kết nối tới ADSL modem và modem này được kết nối với đường dây điện thoại đã đăng ký dịch vụ ADSL. Đặc điểm của phương thức này là kết nối mạng cũng luôn thường trực (sau khi kết nối được tự động thực hiện) nhưng người dùng chỉ phải trả tiền cho những thời gian sử dụng. Cụ thể, các nhà cung cấp dịch vụ hiện nay đều tính cước dựa trên dung lượng thông tin người dùng tải xuống và tải lên Internet.
IV. Địa chỉ IP
Các máy tính trên Internet giao tiếp với nhau sử dụng bộ giao thức TCP/IP. Để các máy tính có thể liên lạc với nhau, mỗi máy tính cần có một địa chỉ liên lạc và địa chỉ này phải là duy nhất. Điều này cũng giống như các thuê bao trong mạng điện thoại di động phải có một số hiệu thuê bao (số máy) và số thuê bao này phải là duy nhất trong mạng. Bộ giao thức TCP/IP sử dụng địa chỉ IP để đánh địa chỉ cho các máy tính trong mạng. Mỗi địa chỉ IP bao gồm 32 bit, được chia thành 4 nhóm đều nhau, mỗi nhóm 8 bit. Các nhóm này được phân tách với nhau bởi một dấu chấm ".". Cách biểu diễn địa chỉ IP phổ biến nhất là “thập phân dấu chấm”. Trong cách biểu diễn này, địa chỉ IP được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm là một số thập phân và được phân tách với nhau bởi một dấu chấm. Cấu trúc địa chỉ IP là: A.B.C.D. Trong đó: A, B, C, D là các số thập phân. Dó mỗi số thập phân này đều dược chuyển từ một số nhị phân 8 bit nên giá trị của chúng phải nằm trong khoảng từ 0 đến 255.
Một số ví dụ về địa chỉ IP:
- 10.10.10.10
- 128.3.5.7
- 192.168.10.1
Địa chỉ IP đang được sử dụng hiện tại là (IPv4) có 32 bit. Hiện nay một số quốc gia đã đưa vào sử dụng địa chỉ IPv6 nhằm mở rộng không gian địa chỉ và những ứng dụng mới, IPv6 bao gồm 128 bit dài gấp 4 lần của IPv4. Version IPv4 có khả nǎng cung cấp 232 = 4 294 967 296 địa chỉ. Còn Version IPv6 có khả nǎng cung cấp tới 2128 địa chỉ. Do địa chỉ IP phải là duy nhất nên cần có một tổ chức quản lý việc cấp phát địa chỉ IP. Hiện nay tổ chức phi Chính phủ Inter – NIC – chịu trách nhiệm cung cấp địa chỉ IP để đảm bảo không có máy tính kết nối Internet nào bị trùng địa chỉ.
V. Tên miền
Với cấu trúc địa chỉ IP như trên, người sử dụng sẽ khó nhớ được địa chỉ IP dẫn đến việc sử dụng dịch vụ từ một máy tính nào đó là rất khó khǎn. Để thuận tiện cho người sử dụng, một tên tượng trưng sẽ được sử dụng thay thế cho địa chỉ IP. Tên tượng trưng này được gọi là tên miền (domain name). Ví dụ: Máy chủ Web Server của VNNIC có địa chỉ là 203.162.57.101, tên miền của nó là vnnic.net.vn. Để truy nhập đến một máy chủ, người dùng có thể dùng địa chỉ IP hoặc tên miền. Tuy nhiên trên thực tế, người dùng không cần biết đến địa chỉ IP mà chỉ cần nhớ tên miền này là truy cập được. Như vậy, tên miền là một sự nhận dạng vị trí của một máy tính trên mạng Internet. Nói cách khác, tên miền là tên của các mạng lưới, tên của các máy chủ trên mạng Internet. Mỗi địa chỉ dạng chữ này luôn tương ứng với một địa chỉ IP dạng số. Hệ thống quản lý tên miền (Domain Name System – DNS)
Mỗi máy tính khi kết nối vào mạng Internet thì được gán cho một địa chỉ IP xác định. Địa chỉ IP của mỗi máy là duy nhất. Hệ thống DNS ra đời nhằm giúp chuyển đổi từ địa chỉ IP khó nhớ mà máy sử dụng sang một tên dễ nhớ cho người sử dụng, đồng thời giúp hệ thống Internet ngày càng phát triển. Hệ thống DNS sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu phân tán và phân cấp hình cây. Vì vậy, việc quản lý sẽ dễ dàng và thuận tiện cho việc chuyển đổi từ tên miền sang địa chỉ IP và ngược lại. Hệ thống DNS giống như mô hình quản lý công dân của một nước. Mỗi công dân sẽ có một tên xác định đồng thời cũng có địa chỉ chứng minh thư để giúp quản lý con người một cách dễ dàng hơn.
Mỗi công dân đều có số căn cước để quản lý, ví dụ: Ông Vũ Hữu Hùng có chứng minh thư: 111166520. Mỗi một địa chỉ IP tương ứng với tên miền, ví dụ: Trang chủ của nhà cung cấp dịch vụ ISP lớn nhất Việt Nam hiện tại là VDC có tên miền là: home.vnn.vn , tương ứng với địa chỉ IP là: 203.162.0.12.
A. Hoạt động của hệ thống DNS
Giả sử người sử dụng muốn truy cập vào trang web có địa chỉ là yahoo.com. Tiến trình hoạt động của DNS như sau: Trước hết chương trình trên máy người sử dụng gửi yêu cầu tìm kiếm địa chỉ IP ứng với tên miền yahoo.com tới máy chủ quản lý tên miền (Name Server) cục bộ thuộc mạng của nó (ISP DNS Server). Máy chủ quản lý tên miền cục bộ này kiểm tra trong cơ sở dữ liệu của nó xem có chứa cơ sở dữ liệu chuyển đổi từ tên miền sang địa chỉ IP của tên miền mà người sử dụng yêu cầu không. Trong trường hợp máy chủ quản lý tên miền cục bộ có cơ sở dữ liệu này, nó sẽ gửi trả lại địa chỉ IP của máy có tên miền nói trên (yahoo.com).
- Trong trường hợp máy chủ quản lý tên miền cục bộ không có cơ sở dữ liệu về tên miền này, nó thường hỏi lên các máy chủ quản lý tên miền ở cấp cao nhất (máy chủ quản lý tên miền làm việc ở mức Root). Máy chủ quản lý tên miền ở mức Root này sẽ trả về cho máy chủ quản lý tên miền cục bộ địa chỉ của máy chủ tên miền quản lý các tên miền có đuôi .com.
- Máy chủ quản lý tên miền cục bộ gửi yêu cầu đến máy chủ quản lý tên miền có đuôi .com tìm tên miền yahoo.com. Máy chủ quản lý tên miền quản lý các tên miền .com sẽ gửi lại địa chỉ của máy chủ quản lý tên miền yahoo.com.
- Máy chủ quản lý tên miền cục bộ sẽ hỏi máy chủ quản lý tên miền yahoo.com này địa chỉ IP của tên miền yahoo.com. Do máy chủ quản lý tên miền yahoo.com có cơ sở dữ liệu về tên miền yahoo.com nên địa chỉ IP của tên miền này sẽ được gửi trả lại cho máy chủ quản lý tên miền cục bộ.
- Máy chủ tên miền cục bộ chuyển thông tin tìm được đến máy của người sử dụng.
- Máy tính của người dùng sẽ sử dụng địa chỉ IP này để mở một phiên kết nối TCP/IP đến máy chủ chứa trang web có địa chỉ yahoo.com.
B. Cấu tạo tên miền (Domain Name)
Để quản lý các máy đặt tại những vị trí vật lý khác nhau trên hệ thống mạng nhưng thuộc cùng một tổ chức, cùng lĩnh vực hoạt động… người ta nhóm các máy này vào một tên miền (Domain). Trong miền này nếu có những tổ chức nhỏ hơn, lĩnh vực hoạt động hẹp hơn… thì được chia thành các miền con (Sub Domain). Tên miền dùng dấu chấm (.) làm dấu phân cách. Cấu trúc miền và các miền con giống như một cây phân cấp. Ví dụ home.vnn.vn là tên miền máy chủ web của VNNIC. Thành phần thứ nhất 'www' là tên của máy chủ, thành phần thứ hai ‘home‘ thường gọi là tên miền cấp 3 (Third Level Domain Name), thành phần thứ ba 'vnn' gọi là tên miền mức 2 (Second Level Domain Name) thành phần cuối cùng 'vn' là tên miền mức cao nhất (ccTLD – Country Code Top Level Domain Name).
C. Qui tắc đặt tên miền:
Tên miền nên được đặt đơn giản và có tính chất gợi nhớ, phù hợp với mục đích và phạm vi hoạt động của tổ chức, cá nhân sỡ hữu tên miền. Mỗi tên miền được có tối đa 63 ký tự bao gồm cả dấu “.”. Tên miền được đặt bằng các chữ số và chữ cái (a-z A-Z 0-9) và ký tự “-”. Một tên miền đầy đủ có chiều dài không vượt quá 255 ký tự. Dưới đây là các tên miền thông dụng :
.com (Communication – Dành cho mọi đối tượng, cá nhân, doanh nghiệp)
.net (Network – Dành cho các nhà cung cấp dịch vụ web, net)
.org (Organization – Các tổ chức phi chính phủ hoặc phi lợi nhuận)
.edu (Education – Dành cho các tổ chức giáo dục đào tạo)
.info (Information – Website về lĩnh vực thông tin)
.name (Name - Sử dụng cho trang cá nhân, blog, website cá nhân)
.biz (Business – Dùng cho các trang thương mại)
.gov (Government – Dành cho các tổ chức Chính phủ)
.ws (Website – Sử dụng cho các tổ chức thương mại hoặc cá nhân)
.us (US – Dành cho cá nhân hay công ty Mỹ)
Ngoài ra, mỗi Quốc gia còn có một miền gồm hai ký tự. Ví dụ: “vn” (Việt Nam), “fr” (Pháp), “ca” (Canada)…
VI. World Wide Web là gì ?
World Wide Web (gọi tắt là Web hay WWW) là một dịch vụ của Internet, cho phép bạn truy nhập tới nguồn thông tin đồ sộ của Internet. Nguồn thông tin này được tổ chức dưới dạng các trang web có sự liên kết chặt sẽ với nhau. Mỗi trang web là một tài liệu siêu văn bản. Tài liệu này có thể chứa văn bản, âm thanh, hình ảnh… Được mã hoá đặc biệt, sử dụng ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản – HTML (HyperText Markup Languages). Ngôn ngữ này cho phép tác giả của một tài liệu nhúng các liên kết siêu văn bản (còn được gọi là các siêu liên kết – hyperlink) vào trong tài liệu. Các liên kết siêu văn bản là nền móng của World Wide Web.
Khi đọc một trang web, có thể nhấp chuột vào một từ hay một hình ảnh được mã hoá như một liên kết siêu văn bản và sẽ lập tức chuyển tới một vị trí khác nằm bên trong tài liệu đó hoặc tới một trang Web khác. Trang thứ hai có thể nằm trên cùng máy tính với trang đầu, hoặc có thể nằm bất kì nơi nào trên Internet. Một tập hợp các trang Web có liên quan được gọi là WebSite. Mỗi WebSite được lưu trữ trên trên một máy phục vụ Web, vốn là các máy chủ Internet lưu trữ hàng ngàn trang Web riêng lẻ. Việc sao chép một trang lên một Web Server được gọi là tải (hoặc nạp) lên (uploading).
Web cung cấp thông tin rất đa dạng bao gồm văn bản, hình ảnh, âm thanh, video. Hiện nay các trang Web sử dụng để phân phối tin tức, các dịch vụ giáo dục, thông tin, danh mục sản phẩm, cùng nhiều thứ khác. Các trang Web tương tác cho phép các độc giả tra cứu cơ sở dữ liệu, đặt hàng các sản phẩm và các thông tin, gửi số tiền thanh toán bằng thẻ tín dụng …..
A. Máy chủ Web (web server)
Để cung cấp dịch vụ Web cho người sử dụng, chúng ta cần có một máy chủ web đặt tại một địa chỉ nào đó trên Internet. Máy chủ web là một máy tính mà trên đó cài đặt phần mềm phục vụ Web, đôi khi người ta cũng gọi chính phần mềm đó là Web Server. Tất cả các Web Server đều hiểu và chạy được các file *.htm và *.html, tuy nhiên mỗi Web Server lại phục vụ một số kiểu file chuyên biệt chẳng hạn như IIS của Microsoft dành cho *.asp, *.aspx...; Apache dành cho *.php...; Sun Java System Web Server của SUN dành cho *.jsp...
B. Trình duyệt Web (web browser)
Trình duyệt Web là một phần mềm ứng dụng được cài đặt trên máy tính của người sử dụng. Phần mềm này cho phép người dùng tìm các tài liệu siêu văn bản trên Web rồi mở các tài liệu đó trên máy tính người sử dụng. Một số trình duyệt Internet thông dụng gồm:
- Trình duyệt Internet Explorer (IE) : đây là trình duyệt Internet phổ biến nhất. Trình duyệt này đã đi kèm với máy tính hệ điều hành Windows của bạn. Ưu điểm: Trình duyệt này máy nào cũng có. Nhiều trang web được thiết kế phục vụ cho người dùng trình duyệt này nên việc hiển thị trang là đẹp nhất trong số các trình duyệt. Nhược điểm: Tốc độ nạp trang không nhanh lắm, dễ bị những trang web độc hại, mã độc, virus lợi dụng lỗ hổng của trình duyệt này chui vào máy gây mất an toàn cho người sử dụng.
- Trình duyệt Firefox : đây là một trình duyệt mới, có nhiều tính năng hay và hoàn toàn miễn phí. Ưu điểm: Hỗ trợ tốt những chuẩn thiết kế web hiện đại. Tốc độ duyệt khá nhanh, hơn Internet Explorer. Đồng thời Firefox cho phép người dùng cài thêm những công cụ bổ sung có sẵn miễn phí mà người dùng có thể download từ trang getfirefox.com, cũng là trang chủ của trình duyệt Firefox. Khi duyệt web với Firefox sẽ an toàn hơn so với IE, người dùng hạn chế được lừa đảo theo hình thức phishing, mã độc hại, virus từ các trang web. Nhược điểm: Vì vẫn còn nhiều trang web được thiết kế sai theo hỗ trợ của trình duyệt IE vì thế mà khi duyệt những trang này với Firefox sẽ hiển thị không được tốt. Ngoài ra, phải cài thêm hỗ trợ dạng Extension / Plug-ins mới có thể xem được một số trang multimedia (xem phim, nghe nhạc).
VII. HTML là gì ?
HTML (HyperText Markup Language), nghĩa là "Ngôn ngữ Đánh dấu Siêu văn bản" là một ngôn ngữ đánh dấu được thiết kế ra để tạo nên các trang web. Tên của ngôn ngữ này được hình thành từ bốn từ:
- Hyper (Siêu): HTML cho phép liên kết nhiều trang văn bản rải rác khắp nơi trên Internet. Nó có tác dụng che dấu sự phức tạp của Internet đối với người sử dụng. Người dùng Internet có thể đọc văn bản mà không cần biết đến văn bản đó đang nằm ở đâu, hệ thống được xây dựng phức tạp như thế nào.
- Text (Văn bản): HTML đầu tiên và trước hết là để trình bày văn bản và dựa trên nền tảng là một văn bản.
- Language (Ngôn ngữ): HTML là một ngôn ngữ tương tự như các ngôn ngữ lập trình, tuy đơn giản hơn. Nó có cú pháp chặt chẽ để viết các lệnh nhằm thực hiện việc trình diễn văn bản.
- Markup (Đánh dấu): HTML là ngôn ngữ của các thẻ (Tag) đánh dấu. Các thẻ này xác định cách thức trình bày đoạn văn bản tương ứng trên màn hình. Một file HTML là một tệp văn bản bao gồm nhiều thẻ (tag). Những thẻ này nói cho trình duyệt biết nó phải hiển thị trang đó như thế nào. Một file HTML phải có phần mở rộng là .htm hoặc .html và có thể được tạo bởi một trình soạn thảo văn bản đơn giản.
VIII. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet
Để mọi người có thể khai thác và sử dụng các dịch vụ Internet, cần có các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Có thể liệt kê như sau:
- ISP (Internet Service Provider) - Nhà cung cấp dịch vụ Internet. Nhà cung cấp dịch vụ Internet cấp quyền truy cập Internet qua mạng viễn thông và các dịch vụ như: E-mail, Web, FTP, Telnet, Chat. Để có thể truy nhập và sử dụng các dịch vụ của Internet, người sử dụng phải đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ này. ISP được cấp cổng truy cập vào Internet bởi IAP. Hiện tại ở Việt Nam có 18 ISP đăng ký cung cấp dịch vụ, trong đó, một số nhà cung cấp dịch vụ lớn gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty Cổ phần truyền thông (FPT), Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Vietel).
- IAP (Internet Access Provider) - Nhà cung cấp dịch vụ đường truyền để kết nối với Internet (còn gọi là IXP – Internet Exchange Provider). Nếu hiểu Internet như một siêu xa lộ thông tin thì IAP là nhà cung cấp phương tiện để đưa người dùng vào xa lộ. Nói cách khác IAP là kết nối người dùng trực tiếp với Internet. IAP có thể thực hiện cả chức năng của ISP nhưng ngược lại thì không. Một IAP thường phục vụ cho nhiều ISP khác nhau. Hiện nay, tại Việt Nam có 7 IAP, bao gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty đầu tư phát triển công nghệ FPT, Tổng công ty viễn thông quân đội (Viettel), Công ty thông tin viễn thông điện lực (ETC), Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), Công ty cổ phần viễn thông Hà Nội (HANOITELECOM), Công ty truyền thông đa phương tiện (VTC).
- ISP dùng riêng được quyền cung cấp đầy đủ dịch vụ Internet. Điều khác nhau duy nhất giữa ISP và ISP dùng riêng là ISP dùng riêng không cung cấp dịch vụ Internet với mục đích kinh doanh. Đây là loại hình dịch vụ Internet của các cơ quan hành chính, các trường đại học hay viện nghiên cứu.
- ICP (Internet Content Provider) - Nhà cung cấp dịch vụ nội dung thông tin Internet. ICP cung cấp các thông tin về: kinh tế, giáo dục, thể thao, chính trị, quân sự (thường xuyên cập nhật thông tin mới theo định kỳ) đưa lên mạng.
- OSP (Online Service Provider) - Nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet. OSP cung cấp các dịch vụ trên cơ sở ứng dụng Internet (OSP) như: Mua bán qua mạng, giao dịch ngân hàng, tư vấn, đào tạo, ...
IX. World Wide Web là gì ?
World Wide Web hay Web là một trong những dịch vụ phổ biến nhất của Internet. Dịch vụ này cho phép bạn truy nhập đến các trang thông tin siêu văn bản (trang web) được đặt tại nhiều vị trí khác nhau trên Internet. Dịch vụ này hoạt động theo mô hình Khách/Chủ (Client/Server). Trong đó máy chủ web là máy tính trên Internet có chạy phần mềm Web server. Máy chủ web lưu trữ nội dung thông tin (các trang web), nhận và trả lời các yêu cầu từ máy khách web. Máy khách web là máy tính của người dùng có chạy trình duyệt web (như Internet Explorer, Netscape Navigator, Firefox …). Máy khách web gửi yêu cầu và hiển thị thông tin trả lời từ máy chủ web. Dịch vụ web sử dụng giao thức HTTP (Hyper Text Transfer Protocol): Giao thức truyền siêu văn bản. Để truy nhập đến một trang web nào đó, người dùng gõ địa chỉ trang web vào thanh địa chỉ của trình duyệt web.
X. Dịch vụ thư điện tử là gì ?
Dịch vụ thư điện tử là một dịch vụ thông dụng nhất của Internet. Nó cho phép bạn gửi một thông điệp tới một hoặc một nhóm người qua mạng Internet. Ngoài việc gửi thông điệp dưới dạng văn bản, bạn còn có thể đính kèm các tệp tin cùng với thông điệp. Dịch vụ thư điện tử được sử dụng phổ biến do có các ưu điểm sau:
- Tốc độ cao và khả năng chuyển tải trên toàn cầu: Có thể nói đây là một trong những ưu điểm hàng đầu của hệ thống thư điện tử. Bạn có thể gửi thư cho bất kỳ người nào gần như ngay lập tức. Người nhận cũng có thể nhận thư ở bất kỳ đâu, miễn là nơi đó có kết nối Internet.
- Giá thành thấp: Giá thành của việc gửi thông tin bằng thư điện tử gần như không đáng kể bởi bạn chỉ cần trả chi phí cho việc sử dụng Internet là bạn đã có khả năng sử dụng các hệ thống thư điện tử miễn phí trên toàn cầu và từ đó liên lạc đến khắp mọi nơi. Nếu so sánh về mặt giá thành với hệ thống thư tín thông thường, nhất là gửi thư quốc tế thì việc gửi bằng hệ thống thư điện tử rẻ và tiện dụng hơn rất nhiều lần.
- Linh hoạt về mặt thời gian: Nếu bạn có người quen ở Mỹ và bạn muốn gọi điện cho người đó lúc 12 giờ trưa, bạn có thể không nhận được câu trả lời (do các cơ quan ở Mỹ đã nghỉ), hoặc có thể bạn sẽ đánh thức họ vào lúc nửa đêm, rất phiền toái. Tuy nhiên, nếu sử dụng thư điện tử thì bạn có thể gửi vào bất cứ lúc nào và người nhận cũng có thể đọc thư vào lúc nào họ muốn. Để có thể sử dụng thư điện tử, mỗi người dùng phải có một tài khoản. Tài khoản này có thể được đăng ký miễn phí hoặc được các nhà cung cấp dịch vụ cấp. Cấu trúc chung của một địa chỉ thư điện tử như sau: Tênđăngký@tênmiền
Tên đăng ký: nva. Ký tự @ phân tách tên đăng ký và tên miền, ký tự này buộc phải có trong mọi địa chỉ thư điện tử. Tên miền: hou.edu.vn là địa chỉ website của tổ chức mà người dùng đăng ký dịch vụ thư điện tử. Hệ thống thư điện tử được chia làm hai phần: MUA (Mail User Agent) và MTA (Message Transfer Agent). MUA thực chất là một hệ thống làm nhiệm vụ tương tác trực tiếp với người dùng cuối, giúp họ nhận bản tin, soạn thảo bản tin, lưu các bản tin và gửi bản tin. Nhiệm vụ của MTA là định tuyến bản tin và xử lý các bản tin đến từ hệ thống của người dùng sao cho các bản tin đó đến được đúng hệ thống đích.
XI. Telnet
Telnet là một dịch vụ Internet cho phép người dùng ngồi trên một thiết bị đầu cuối có thể thông qua kết nối mạng truy nhập đến một thiết bị từ xa để điều khiển nó bằng câu lệnh như là đang ngồi tại máy ở xa. Một máy trạm có thể thực hiện đồng thời nhiều phiên telnet đến nhiều địa chỉ IP khác nhau. Telnet hoạt động theo phiên, mỗi phiên là một kết nối truyền dữ liệu theo giao thức TCP với cổng 23. Telnet hoạt động theo mô hình khách/chủ (Client/Server), trong đó Client là một phần mềm chạy trên máy của người dùng, phần mềm này sẽ cung cấp giao diện hiển thị để người dùng gõ lệnh điều khiển. Phần Server là dịch vụ chạy trên máy từ xa lắng nghe và xử lý các kết nối và câu lệnh được gửi đến từ máy trạm tại chỗ. Dịch vụ Telnet thường được sử dụng để điều khiển và cấu hình từ xa cho các thiết bị, chẳng hạn bộ định tuyến (Router) và bộ chuyển mạch (Switch). Để kết nối từ xa đến một thiết bị nào đó, câu lệnh được sử dụng là: Telnet IP_address. Trong đó: Telnet là tên lệnh và IP_address là địa chỉ IP của thiết bị.
XII. Dịch vụ truyền tệp
Dịch vụ truyền tệp (FTP) là một dịch vụ cơ bản và phổ biến cho phép chuyển các tệp dữ liệu giữa các máy tính khác nhau trên mạng. FTP hỗ trợ tất cả các dạng tệp, trên thực tế nó không quan tâm tới dạng tệp cho dù đó là tệp văn bản mã ASCII hay các tệp dữ liệu dạng nhị phân. Với cấu hình của máy phục vụ FTP, có thể quy định quyền truy nhập của người sử dụng với từng thư mục dữ liệu, tệp dữ liệu cũng như giới hạn số lượng người sử dụng có khả năng cùng một lúc có thể truy nhập vào cùng một nơi lưu trữ dữ liệu.
XIII. Dịch vụ Gopher
Trước khi Web ra đời, Gopher là dịch vụ rất được ưa chuộng. Gopher là một dịch vụ truyền tệp tương tự như FTP, nhưng nó hỗ trợ người dùng trong việc cung cấp thông tin về tài nguyên. Client Gopher hiển thị một thực đơn, người dùng chỉ việc lựa chọn cái mà mình cần. Kết quả của việc lựa chọn được thể hiện ở một thực đơn khác. Gopher bị giới hạn trong kiểu các dữ liệu. Nó chỉ hiển thị dữ liệu dưới dạng mã ASCII mặc dù có thể chuyển dữ liệu sang dạng nhị phân và hiển thị bằng một phần mềm khác.
XIV. Dịch vụ WAIS
WAIS (Wide Area Information Serves) là một dịch vụ tìm kiếm dữ liệu. WAIS thường xuyên bắt đầu việc tìm kiếm dữ liệu tại thư mục của máy chủ, nơi chứa toàn bộ danh mục của các máy phục vụ khác. Sau đó WAIS thực hiện tìm kiếm tại máy phục vụ thích hợp nhất. WAIS có thể thực hiện công việc của mình với nhiều loại dữ liệu khác nhau như văn bản ASCII, PostScript, GIF, TIFF, điện thư,…
XV. Dịch vụ chat
Chat là hình thức hội thoại trực tiếp trên Internet. Với dịch vụ này hai hay nhiều người có thể cùng trao đổi thông tin trực tiếp qua bàn phím máy tính. Điều đó có nghĩa là bất kỳ câu đánh trên máy của người này đều hiển thị trên màn hình của người đang cùng hội thoại. Có nhiều chương trình hỗ trợ cho phép chat trực tiếp (những người chat đang trực tuyến) hoặc gián tiếp (những người chat đang không trực tuyến) với đối phương. Người sử dụng có thể chat bằng chữ (Text), chat bằng âm thanh (Voice) hoặc bằng hình ảnh (Web-cam)... Ngoài chat trên Internet người sử dụng còn có thể chat với nhau trên mạng LAN.