• [ Phần 03 ] Chuyện Về Đời Sống Của Bác Hồ

[ Phần 03 ] Chuyện Về Đời Sống Của Bác Hồ


[ Phần 03 ] Chuyện Kể Về Đời Sống Của Bác Hồ. Đây là những mẫu chuyện kể về đời sống của Bác Hồ. Mà Tâm Gà sưu tầm được, nhằm mục đích cho chúng ta học tập và noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

----- Phần 3 : gồm có các câu chuyện sau đây 
Tập 19 : Bác Hồ thích món ăn gì nhất
Tập 20 : Không phải là siêu nhiên
Tập 21 : Bác hát bài anh hùng xưa nay
Tập 22 : Kiên trì chống lại tuổi già và bệnh tật
Tập 23 : Điều Bác Hồ yêu nhất , ghét nhất
Tập 24 : Người Pháp, người Mỹ nói về Bác
---------- Nào hãy cùng Tâm Gà đọc tiếp nhé


Tập 19: Bác Hồ thích món ăn gì nhất

Nhiều người quan tâm đến sinh hoạt đời thường của Bác Hồ đã có lúc đặt ra câu hỏi ấy. Mới xem qua, dường như nó chẳng có ý nghĩa gì mấy, bởi nó quá riêng tư, mỗi người đều có sở thích của mình, thị hiếu là vấn đề không thể bàn cãi!

Đúng như vậy. Nhưng tìm hiểu sở thích của một người cũng là một hướng tiếp cận tính cách của con người đó, càng cần thiết hơn khi đó lại là một vĩ nhân.

Cũng như mọi người, có món ăn Bác Hồ rất thích, nhiều món ăn được, có món không thích, ví dụ qua bữa cơm bà Thanh được kể lại, ta biết cậu Thành từ nhỏ không ăn được tỏi.

Nét nổi bật là vị Chủ tịch nước đầu tiên của chúng ta lại rất thích các món ăn dân dã như mắm, cà dầm tương, canh cua ăn với rau chuối thái ghém...

Có lần, trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Chủ tịch Liên khu IV Lê Viết Lượng có gửi lên Việt Bắc biếu Bác một lọ cà dầm mắm. Bác rất thích ăn. Ngày đó, Bác vẫn thường ăn chung với các nhân viên phục vụ của mình. Có bữa bận phải ăn sau, Bác dặn: các cô chú cứ ăn thịt cá, để phần Bác món cà dầm mắm.

Ở rừng, thỉnh thoảng vẫn thiếu rau. Bác bảo: - Ta thiếu rau nhưng nhiều mít, cô Mai (vợ bác sĩ Chánh) làm món nhút ăn cho đỡ xót ruột. Chị Mai thú thực không biết làm. Bác lại bày cho cách làm nhút từ quả mít xanh. Có lẽ trong các món mang hương vị quê hương, Bác thích nhất món cá bống kho lá gừng. Hôm nào, đồng chí Cần - cấp dưỡng của Bác, làm món ăn đó, Người thường ăn hết, để món thịt lại.

Có lần, Bác được mời đi nghỉ tại Liên Xô. Bạn cho ăn toàn những món đặc sản vào loại tuyệt hảo. Bỗng một hôm Bác bảo: “Mình nhớ món cá bống kho lá gừng quá!”. Một chuyện thật đơn giản, nhưng trong hoàn cảnh đó thực hiện lại không dễ. Vì ở nhà nghỉ thì không ổn, hơn nữa bạn lại rất sợ mùi nước mắm. Kho ở sứ quán rồi mang vào, lại sợ bạn biết sẽ phật ý. Cuối cùng, nhờ sự trổ tài khéo léo của đồng chí Vũ Kỳ trong việc giới thiệu các món ăn cổ truyền của dân tộc, món cá bống kho gừng đã được thực hiện.

Ở Việt Bắc, hôm nào có điều kiện ăn tươi, Bác lại bảo: ra gọi cô Cúc (vợ đồng chí Phạm Văn Đồng) và cô Mai vào trổ tài cho Bác cháu mình thưởng thức. Chị Mai làm món gà rút xương, thịt băm trộn nấm hương nhồi đùi gà, đem hấp. Chị Cúc làm món bít-tết. Bác khen ngon, vì làm rất công phu. Bác nhận xét:

- Gia vị đối với món ăn Việt Nam rất quan trọng. Thiếu gia vị, món ăn sẽ giảm hương vị đi rất nhiều.

Coi trọng nội dung, Bác cũng nhắc nhở cần chú ý đến cả hình thức trình bày. Hồi ở Việt Bắc, có lần đi công tác, buổi trưa, Bác cháu dừng lại bên bờ suối nấu ăn. Bác bảo: các chú nấu cơm, để Bác rán trứng cho. Bác làm rất thạo. Trứng rán xong mà cơm chưa chín. Bác lấy que sắt nung trên than hồng rồi đặt lên khoanh trứng thành những hình quả trám rất đẹp. Anh em cười thán phục. Bác bảo:

- Khi có điều kiện làm cho ngon hơn, đẹp hơn thì ta cứ làm chứ các chú!

Ngày 16-6-1957, Bác đi thăm Đồng Hới (Quảng Bình). Trong bữa cơm trưa có đủ các món đặc sản của Đồng Hới: Mắm tôm chua, rau muống chẻ, cá thu kho... Bác cháu vừa ăn vừa trò chuyện. Bác chỉ tay sang bác sĩ Nhữ Thế Bảo nói đùa:

- Bác sĩ khuyên mọi người ăn chín, uống sôi, còn bản thân bác sĩ thì lại ăn rau muống sống hơi quá nhiều đấy!

Mọi người cười vang. Bữa ăn ngon lành càng thêm vui vẻ.

Theo cuốn: Bác Hồ - con người và phong cách



Tập 20: Không phải là siêu nhiên

Bác Hồ của chúng ta là một con người vĩ đại, siêu việt, nhưng cũng giản dị, gần gũi, thân thuộc với tất cả mọi người. Không có gì thuộc về con người lại không vang vọng sâu xa trong tâm hồn của Bác.

Linh mục Phạm Bá Trực là một người yêu nước, kính Chúa. Được may mắn gặp Bác Hồ, do sức cảm hóa và hấp dẫn đặc biệt của Người, cha Trực đã kiên quyết một lòng đi theo cách mạng và kháng chiến.

Là Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội khóa I (tức Phó Chủ tịch Quốc hội ngày nay), cha Trực được mời tham dự các phiên họp của Hội đồng Chính phủ do Bác chủ trì. Nhiều buổi họp khuya, cha thường được ở lại với Bác.

Có một lần, dưới ngọn đèn khuya cha Trực ngồi yên lặng, ngắm Bác làm việc, cha cảm thấy Bác như là hiện thân của Chúa, mang đức độ nhân từ, bác ái, vị tha của một bậc thánh, cha Trực bỗng thốt lên:

- Vous - êtes surnaturel!

Bác mỉm cười, phủ nhận:

- Non, nous sommes contre - naturel!

Ý Bác muốn nói: việc Người cũng như cha Trực, hoặc vì phụng sự cách mạng hoặc vì phụng sự Chúa, mà quên lập gia đình chỉ là điều phản tự nhiên thôi chứ không có gì thần thánh cả.

Cũng như vậy, có lần, sau một phiên họp Hội đồng Chính phủ (24-5-1948) các thành viên trong Chính phủ ở lại ăn cơm chiều với Bác. Trong những cuộc gặp gỡ như vậy, Người thường rất vui, kể chuyện những ngày còn bôn ba hải ngoại, chuyện Tây, chuyện Tàu đủ cả. Nhân đó, có người mạnh dạn hỏi: vì sao Bác không lập gia đình?

Bác cười và trả lời:

- Mình cũng chẳng thần thánh gì, cũng như tất cả mọi người thôi. Nhưng với hoàn cảnh đã qua và hiện nay, còn có điều kiện nào mà nghĩ đến chuyện lập gia đình, không phải vì đạo đức mà là phải chịu đạo đức đó thôi. Nhưng chưa lo được gia đình nhỏ thì ta hãy lo cho gia đình lớn đã vậy.

Mồ côi mẹ từ năm lên 9 tuổi. Mười năm sau giã biệt cha già, ra đi tìm đường cứu nước. Anh mất rồi chị mất, đều không có điều kiện chăm lo. Cũng như mọi người, Bác Hồ của chúng ta rất quý trọng tình cảm gia đình, cơ sở bền vững của lòng yêu nước, thương dân. Ở Bác, những tình cảm lớn, dù sâu sắc, mênh mông đến đâu cũng không bao giờ che khuất hay át được những tình cảm riêng tư. Bác Hồ của chúng ta cũng phải gắng gỏi vượt lên trên những phút cô đơn.

Chiều Việt Bắc, rừng Chiêm Hóa u buồn, sương lạnh. Gia đình các đồng chí trong Thường vụ Trung ương đều ở quanh Bác, nhưng cách nhau đến mấy quả đồi, mấy cánh rừng. Chiều đông, càng im ắng, cô quạnh.

Một hôm, bà Trường Chinh dắt cô bé gái của mình lên thăm Bác, có ý định để cô bé lại với Bác mấy hôm cho Bác đỡ buồn. Lúc đầu, được lên với Bác, cô bé rất thích, vui vẻ nhận lời. Nhưng khi chiều đến, bà xin phép Bác ra về, trong cảnh u tịch, vắng vẻ, cô bé đổi ý, khóc đòi về với mẹ.

Không giữ được, Bác tiễn mẹ con ra đầu dốc và cứ đứng nhìn theo mãi. Khi Bác quay về, các đồng chí phục vụ thấy đôi mắt Bác long lanh ướt. Bác nói với các đồng chí xung quanh:

- Chúng ta, ai cũng đều muốn có một cuộc sống gia đình ấm cúng. Người cách mạng là người giàu tình cảm, lại càng quý trọng cuộc sống gia đình, chẳng qua vì chưa có điều kiện thuận lợi nên chưa thực hiện được, đành phải chịu đựng mà thôi.

Theo: Trần Đức Hiếu


Tập 21: Bác hát bài anh hùng xưa nay

... Một buổi chiều chụp ảnh. Trong ảnh rõ ràng hai thế hệ. Các cụ ngồi ngay ngắn. Đằng sau là các bộ trưởng, mỗi người một vẻ:

Chụp xong Cụ Hồ nắm lấy cánh tay tôi:

- Tối hôm nay cụ tổ chức lửa trại nhé.

Mấy ông già với mấy ông trẻ đầy lo nghĩ, lửa trại vui được khó quá.

- Cứ vui đấy!

Bỗng một ý nghĩ thoáng qua, tôi thưa:

- Cụ lệnh tổ chức, tôi xin làm. Nhưng thưa Cụ, ở lửa trại thì người giữ lửa có quyền to lắm, ai cũng phải nghe đấy.

- Nhất định thế!

Bọn chúng tôi vẫn có cái thói cứ hay “chọc” Cụ một cách kính mến, không dám làm Cụ bí, vì Cụ có bí bao giờ đâu, nhưng để xem Cụ đối phó thế nào, rồi ngồi cười cùng nhau, lý thú về cách trả lời của Cụ, Cụ cũng hiểu thế và mỉm cười.

Mọi người đã ngồi quanh đống lửa. Tôi châm lửa và tuyên bố:

- Thi hành quyền lực của trùm trại, tôi đề nghị Cụ Chủ tịch hát mở đầu cuộc vui.

Mọi người nhìn cả về phía Cụ. Cụ nhẹ nhàng đứng dậy, vừa đi quanh vừa hát bài hát hướng đạo về Đinh Bộ Lĩnh:

Anh hùng xưa nhớ hồi là hồi niên thiếu

Dấy binh lấy lau làm cờ.

Quên mình là mình giúp nước...

Già trẻ ai nấy con mắt long lanh, nhìn âu yếm Cụ Chủ tịch của mình, mà như thế là cuộc lửa trại vui lên.

Theo: Hoàng Đạo Thúy



Tập 22: Kiên trì chống lại tuổi già và bệnh tật

Sang đến năm 1967, Bác Hồ của chúng ta đã già và yếu đi nhiều. Nhưng ngày ba bữa, Bác vẫn tự mình từ nhà sàn, đi bộ đến nhà ăn. Một phần, không muốn phiền anh em phục vụ, phần nữa, Bác muốn đặt ra cho mình một kỷ luật, buộc mình phải vận động, rèn luyện, chống lại suy yếu của tuổi già.

Các đồng chí phục vụ Bác rất áy náy. Phần thương Bác vất vả, ngày nắng, còn ngày mưa; phần lo Bác già yếu, chẳng may vấp ngã, nếu có chuyện gì thì ảnh hưởng lớn đến công việc của đất nước và của Đảng.

Ngày đó, con đường quanh ao cá chưa được tôn tạo như hiện nay. Sau những trận mưa to, đường đi còn ngập nước. Nhưng đến giờ ăn, dù đang còn mưa, Bác vẫn xắn quần quá đầu gối, cầm ô, cùng đồng chí bảo vệ, lội nước đi sang nhà ăn. Nhìn ống chân Bác gầy gò, nổi gân xanh, anh em thương Bác, trào nước mắt, nhưng không sao thuyết phục được Bác cho phép dọn cơm bên nhà sàn.

Bác nói:

- Các chú muốn chỉ một người vất vả hay muốn cho nhiều người cũng phải vất vả vì Bác.

Có hôm, buổi sớm, Bác vào thay quần áo xong, đến bữa, gặp trời mưa, Bác không muốn các đồng chí phục vụ phải giặt nhiều, Bác cởi quần dài, gập lại, cắp nách, sang đến nơi mới mặc vào. Bác coi mình cũng chỉ là một người phục vụ và xem các đồng chí phục vụ cũng như mình nên không muốn làm phiền ai.

Tuy vậy, các đồng chí phục vụ Bác vẫn cố gắng tìm mọi cách để có thể thay đổi tình hình ấy.

Một hôm, Bác cho gọi chị Trần Thị Lý, người con gái miền Nam vào ăn cơm với Bác. Bác mời vào ngày Chủ nhật, nhưng hôm đó đồng chí Lý lại đi vắng thành ra hôm sau (3-7-1967) chị mới vào được.

Hôm đó, trời mưa rất to. Đồng chí Vũ Kỳ cho dọn cơm ngay bên dưới nhà sàn để Bác ăn cùng chị Lý. Thương chị Lý thương tật, đau yếu, đường mưa trơn, đi lại khó khăn, lần đầu tiên, bữa đó Bác Hồ đồng ý ở lại ăn cơm dưới nhà sàn.

Hôm sau, các đồng chí phục vụ lại dọn cơm dưới nhà sàn, mời Bác ăn, coi như đã có một tiền lệ và không thỉnh thị Bác. Nhưng Bác đã cho gọi đồng chí Vũ Kỳ đến và phê bình:

- Các chú muốn để Bác hư thân đi có phải không?

Ý Bác đã rõ ràng. Bác muốn mỗi ngày ba bận, mỗi bữa ăn, đi vòng quanh hồ một lần, như một kỷ luật bắt buộc phải rèn luyện đối với mình.

Tuổi già, cũng như trẻ thơ, đều muốn được chiều chuộng. Bác biết: Nếu dễ dãi với mình và để cho người khác dễ dãi với mình, dần dần sẽ hư thân đi.

Không ai sinh ra đã thành lãnh tụ. Muốn trở thành vĩ nhân, phải có chí rèn luyện. Làm Chủ tịch nước rồi, trở thành lãnh tụ kính yêu của cả giai cấp và dân tộc rồi, Bác Hồ vẫn không ngừng rèn luyện. Vì vậy, ở vị trí càng cao, càng nổi tiếng, tinh hoa, phẩm chất, đạo đức của Bác càng sáng, càng trong.

Theo: Vũ Kỳ



Tập 23: Điều Bác Hồ yêu nhất, ghét nhất

Trong kháng chiến chống Pháp, một nhóm người Pháp tiến bộ, cùng với một số hàng binh đã đứng về phía Việt Nam, chiến đấu dưới lá cờ giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh. Họ thành lập một tờ báo lấy tên là Bạn chiến đấu, bằng tiếng Pháp xuất bản tại chiến khu Việt Bắc, phát hành bí mật trong quân đội Pháp.

Phóng viên báo Bạn chiến đấu đã có cuộc phỏng vấn Hồ Chủ tịch. Báo Cứu Quốc số 938, ngày 25-5-1948 - Chi nhánh số 6 in tại Liên khu X, đã đăng lại bài trả lời của Bác.

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất?

- Trả lời: Điều ác.

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất?

- Trả lời: Điều thiện.

- Hỏi: Chủ tịch cầu mong gì nhất?

- Trả lời: Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu.

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ cái gì nhất?

- Trả lời: Chẳng sợ cái gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì.

Theo cuốn: Bác Hồ - Con người và phong cách



Tập 24: Người Pháp, người Mỹ nói về Bác

Tuần báo Đây Paris ra ngày 18-6-1946 là một trong những bài viết sớm nhất, tương đối đầy đủ nhất về phong cách của Bác Hồ.

“Chủ tịch nước Việt Nam là một người giản dị quá đỗi. Quanh năm ông chỉ mặc một bộ áo ka ki xoàng xĩnh và khi những người cộng tác quanh ông để ý, nói với ông rằng với địa vị ông ngày nay, nhiều khi cần phải mặc cho được trang trọng, thì ông chỉ mỉm cười trả lời:

“Chúng ta tưởng rằng chúng ta được quý trọng vì có áo đẹp mặc, trong khi bao nhiêu đồng bào mình trần đang rét run trong thành phố và các vùng quê”?

Sự ăn ở giản dị đến cực độ, như một nhà ẩn sĩ, đó là một đức tính rõ rệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tuần lễ ông nhịn ăn một bữa, không phải là để hành hạ mình cho khổ sở mà là để nêu một tấm gương dè sẻn gạo cho đồng bào đặng làm giảm bớt nạn đói trong nước. Hết thảy mọi người xung quanh đều bắt chước hành động đó của ông.

Trong những ngày thường, ông dùng cơm ở Bắc Bộ phủ, ngồi chung với hết thảy mọi người. Người ta thấy quây quần xung quanh bàn ăn: các bộ trưởng, những thư ký và cả những cậu thiếu niên phục vụ bàn giấy. Nhờ có đức tính giản dị của ông mà khi ngồi ăn với mọi người ông không làm ai phải giữ kẽ nhiều quá, mà trái lại, không khí chung lộ ra, lúc nào cũng thân mật, cũng vui vẻ, gây cho bữa ăn một vẻ gia đình.

Tính giản dị và thân mật của ông còn biểu lộ ra trong những bài diễn văn. Không bao giờ ông tỏ vẻ thông thái, vốn rất rộng của ông. Ông thông thạo bảy thứ tiếng khác nhau và nói được rất nhiều tiếng thổ âm, trái lại ông chỉ dùng những câu nôm na, khiến cho một người dù quê mùa, chất phác nghe cũng hiểu ngay được. Ngày ông viết xã luận cho báo Cứu Quốc, trước khi đem bài cho nhà in, bao giờ ông cũng đem đọc cho một số người không biết chữ, ông già, bà già cùng nghe. Nếu ông thấy thính giả tỏ vẻ không hiểu mấy những ý tưởng trong bài viết lập tức ông viết lại ngay bài khác. Tất cả đức tính Hồ Chí Minh bao gồm trong một cử chỉ bé nhỏ đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ghét lối nói khoa trương, văn vẻ. Mỗi bài diễn văn của ông là một bài học nhỏ kết luận bằng một ý kiến đạo đức. Bởi những ý tưởng hết sức giản đơn ấy mà bài diễn văn của ông có một tiếng vang lớn trong giới trí thức và dân chúng”.

Hai mươi lăm năm sau bài viết trên, năm 1971 – sau khi Bác Hồ đã mất, một người Mỹ - nhà báo, nhà văn Đâyvít Hanbơcstơn trong cuốn sách Hồ của mình, do Nhà xuất bản Răngđôm Haosơ ở New York ấn hành đã viết:

“...Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này - hơi giống Găngđi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt Nam. Có lẽ hơn bất kỳ một người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc của ông, và đối với cả thế giới ông là hiện thân của một cuộc cách mạng. Thế nhưng đối với hầu hết nông dân Việt Nam, ông là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ. Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị, luôn luôn mặc quần áo đơn giản nhất - cách ăn mặc của ông không khác mấy người nông dân nghèo nhất - một phong cách mà Phương Tây đã chế giễu ông trong nhiều năm, cười ông thiếu nghi thức quyền lực, không có đồng phục, không theo thời trang. Cho đến một ngày họ mới tỉnh ngộ và nhận thấy chính cái tính giản dị ấy, cái sùng bái sự giản dị ấy, cái khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công của ông.

Trong một nước khi mà dân chúng đã thấy những người cầm đầu đạt tới một địa vị nào đó rồi trở thành “Tây” hơn là “Việt Nam”, bị quyền lực, tiền bạc và lối sống phương Tây làm thối nát; trong một nước khi những người đó đã ngoi lên khá cao thì không làm gì cho dân chúng cả, lập tức bị bán mình cho người nước ngoài, tính giản dị của ông Hồ là một sức mạnh. Địa vị càng cao sang, ông càng giản dị và trong sạch. Hình như ông luôn luôn giữ được những giá trị vĩnh cửu của người Việt Nam: kính già, yêu trẻ, ghét tiền của. Ông Hồ không cố tìm kiếm cho mình những cái trang sức quyền lực vì ông tự tin ở mình và ở mối quan hệ của ông với nhân dân, với lịch sử, đến nỗi không cần những pho tượng, những cái cầu, những pho sách, những tấm ảnh để chứng tỏ điều đó cho mình và cho thiên hạ biết. Việc ông từ chối sự sùng bái cá nhân là đặc biệt đáng chú ý trong cái xã hội kém phát triển...”.

Theo: Nguyễn Việt Hồng

 Tâm Gà sưu tầm

[ Phần 03 ] Chuyện Về Đời Sống Của Bác Hồ

Bạn đang xem một trong các bài viết tại Chuyên Mục Chuyện Bác Hồ. Và đây là địa chỉ link bài viết http://www.c10mt.com/2012/10/phan03-chuyen-ke-ve-doi-song-cua-bac-ho.html . Tâm Gà xin cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này. Đừng quên nhấn LIKE Chia Sẻ để ủng hộ Tâm Gà nếu bài viết có ích !
Tuesday, October 2, 2012 DMCA com Protection Status