• [ Phần 02 ] Những Mẫu Chuyện Hay Kể Về Bác Hồ

[ Phần 02 ] Những Mẫu Chuyện Hay Kể Về Bác Hồ


[ Phần 02 ] Những Mẫu Chuyện Hay Kể Về Bác Hồ. Đây là những mẫu chuyện kể về Bác Hồ. Mà Tâm Gà sưu tầm được, nhằm mục đích cho chúng ta học tập và noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

---- Phần 02 : gồm có các chuyện sau đây :
Tập 11 : Bác Hồ trong lòng đồng bào Tây Bắc
Tập 12 : Hạnh phúc lớn lao nhất của đời tôi
Tập 13 : Câu chuyện xây dựng hội trường
Tập 14 : Quà của Bác Hồ tặng các cháu
Tập 15 : Các chú bộ đội cũng phải biết hát
Tập 16 : Chuyện ở hội trường Đại Hội Đảng Lần Thứ III
Tập 17 : Thế là ta đẹp chung
Tập 18 : Tấm lòng Bác bao dung tất cả
Tập 19 : Hỏi ông bộ trưởng
Tập 20 : Nếu còn sử dụng được thì cố mà tận dụng
------- Nào hãy cùng Tâm Gà đọc tiếp nhé


Tập 11: BÁC HỒ TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO TÂY BẮC

Sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Bác Hồ đã dành thời gian lên thăm nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Ngày 7-5-1959, đồng bào các dân tộc Tây Bắc được đón Bác về thăm tại Thuận Châu, thủ phủ của khu Tây Bắc.

Được tin Bác Hồ lên thăm, đồng bào các dân tộc ở quanh khu vực Thuận Châu, huyện Tuần Giáo (tỉnh Lai Châu) và đồng bào từ các bản xa không quản đèo dốc mang theo quà, cờ hoa nô nức đi đón Bác. Tại sân vận động huyện Thuận Châu, gần 10.000 đồng bào, đại diện cho hơn 430.000 nhân dân các dân tộc Tây Bắc lúc bấy giờ đến dự cuộc mít tinh kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và đón Bác Hồ.

Khi Bác và đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ tiến vào lễ đài, tiếng hô: “Pú Hồ, Pú Hồ xen pi” (Hồ Chủ tịch muôn năm), từng đợt, từng đợt vang lên. Bác Hồ giơ tay vẫy chào thân thiết và ra hiệu cho mọi người im lặng. Cả rừng người im phăng phắc, lắng tai nghe. Bác khen ngợi bộ đội, cán bộ và đồng bào Tây Bắc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống phong kiến, truy quét thổ phỉ cũng như trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Bác nói: Ngày trước, đồng bào bị giặc Tây áp bức, bây giờ, không còn giặc Tây nữa. Ngày trước, nhân dân không có ruộng, bây giờ, nhờ có Đảng và Chính phủ, nhân dân có ruộng, như thế là đời sống đồng bào có phần sung sướng. Bác mong muốn đồng bào các dân tộc đoàn kết giúp nhau tăng gia sản xuất, đuổi giặc đói, giặc dốt, đoàn kết bảo vệ bản làng, cán bộ, bộ đội, nhân dân phải đoàn kết chặt chẽ. Nếu đế quốc Mỹ muốn xâm lược nước ta, ta sẽ đánh vào đầu nó.

Bác trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất của Đảng và Nhà nước thưởng cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Người ân cần căn dặn: “Đồng bào, bộ đội, cán bộ Tây Bắc cần ra sức thi đua sản xuất và tiết kiệm, đưa Tây Bắc lên chủ nghĩa xã hội, làm cho đời sống ngày càng ấm no và vui tươi hơn nữa”. Khi nói xong, Bác hỏi một câu bằng tiếng Thái: Pi noọng hụ báu (Đồng bào có hiểu không?). Một phút ngỡ ngàng, rồi chợt hiểu ra, cả rừng người sôi động: “Thưa Bác, hiểu ạ”. Nhiều người chưa kịp trả lời, nghẹn giọng xúc động, nhiều cụ già, em nhỏ thấm vội những giọt nước mắt sung sướng trước sự quan tâm sâu sắc của Bác. Cuộc mít tinh biến thành cuộc diễu hành, biểu dương lực lượng đại diện các giới, các đoàn thể tiến qua lễ đài. Ai cũng hướng về Bác để được khắc sâu hơn hình ảnh Người. Bác lưu luyến vẫy tay chào.

Sáng ngày 8-5-1959, Bác đến Yên Châu. Hơn 2.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ huyện Yên Châu tổ chức mít tinh đón Bác và đoàn đại biểu Chính phủ tại bản Khoóng, xã Chiếng An. Khi Bác đến, mọi người cùng hướng về phía Bác, những tràng vỗ tay không ngớt, sung sướng trào nước mắt. Phong cách giản dị, lời nói ấm áp của lãnh tụ, thân thiết, gần gũi như ruột thịt đã chinh phục tình cảm của đồng bào. Người khuyên: “Đồng bào châu nhà kháng chiến anh dũng. Bây giờ hoà bình rồi, cũng vẫn phải anh dũng. Anh dũng trong mọi mặt. Trong kháng chiến anh dũng giết Tây, đuổi giặc, bây giờ anh dũng sản xuất, xoá nạn mù chữ…”.

Bác dặn dò cán bộ: “Cán bộ từ trên xuống dưới, từ Bác đến cán bộ xã đều là đầy tớ của nhân dân, không phải là vua, là quan như ngày trước mà đè đầu, cưỡi cổ nhân dân. Tức là, cán bộ phải chăm sóc đời sống của nhân dân, phải giúp nhân dân tổ chức được đời sống, hợp tác xã, dân quân. Cán bộ phải đến tận nơi giúp đỡ, bao giờ các tổ chức đó thật vững mới thôi”. Bác còn hỏi nhiều về sản xuất và hướng dẫn đồng bào áp dụng cải tiến kỹ thuật, làm thủy lợi, làm phân bón ruộng… một cách cụ thể, dễ hiểu. Thể hiện tấm lòng kính yêu với Bác, đồng bào Yên Châu kính tặng Bác chiếc khèn. Trước mọi người, Bác đưa chiếc khèn lên thổi. Tấm ảnh Bác thổi khèn được lưu giữ tại kho tư liệu ảnh của Thông tấn xã Việt Nam hiện nay chính là tấm hình ghi lại tấm lòng Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc, đồng bào Yên Châu.

Từ Yên Châu, Bác đến thăm nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu. Niềm vui, nỗi hồi hộp xen lẫn, ai cũng muốn được thấy Bác đầu tiên, ai cũng muốn gần Bác nhất để được ngắm, được thỏa lòng mong ước bấy lâu. Bác vẫy tay chào, Bác hôn các cháu thiếu nhi. Bác thăm hỏi sức khoẻ, đời sống sản xuất của đồng bào, của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 335 đóng trên Mộc Châu. Rồi Bác thăm Nông trường Mộc Châu. Ngày Bác về thăm Mộc Châu cũng là ngày đầu tiên thành lập Nông trường Mộc Châu.

Tròn 40 năm qua, từ mảnh đất này, Nông trường chè Mộc Châu, Nông trường bò sữa Mộc Châu hôm nay đang từng ngày lớn mạnh, ở cái tuổi 40 chín chắn, vững vàng trong cơ chế thị trường, là những doanh nghiệp làm ăn phát đạt ở Sơn La. Đó cũng chính là biểu hiện tình cảm của nhân dân các dân tộc Tây Bắc thực hiện lời dạy của Bác, đoàn kết một lòng, chung thủy xây dựng mảnh đất Tây Bắc ngày một giàu đẹp.



Tập 12: HẠNH PHÚC LỚN LAO NHẤT CỦA ĐỜI TÔI

Ngày tạm biệt miền Nam lên đường tập kết ra Bắc, bà con, cô bác giao cho tôi (Ngô Thị Liễu) một nhiệm vụ, đơn giản mà rất thiêng liêng : “Có gặp Bác Hồ thì thưa giùm với Bác rằng bà con trong này ngày đêm trông Bác về thăm!” Tuy gật đầu lia lịa sẵn sàng nhận lời, nhưng tôi vẫn thầm nhủ rằng không dễ gì có được vinh dự ấy. Vậy mà tôi lại được gặp Bác vào cuối năm 1954, khi đoàn Tuồng Khu Năm được vào Phủ Chủ tịch diễn Tuồng chị Ngộ. Anh chị em trong đoàn ai cùng náo nức bồn chồn, nguyện mang hết sức mình diễn cho Trung ương xem. Đứng trên sân khấu, tôi lách nhẹ tấm màn nhung, nhìn ra qua kẽ hở: Bác Hồ! Đó, Bác ngồi đó! Bận quần áo nâu giản dị, ung dung thanh thản, hiền cách chi là hiền! Tôi tưởng như thủa nào mình đương đóng vai nường Xuân Hương mà gặp được tiên ông ban phép thần để có sức mạnh xua tan quân giặc. Rồi chẳng hiểu sao, tôi thấy rào rào trong tim mạch và nước mắt trào ra lúc nào tôi đâu có biết!

Khi diễn lớp chị Ngộ bị giặc bắt buộc phải ôm đầu anh Tài quăng xuống cống, tôi nhìn thấy Bác chống tay lên cằm nghiêng đầu cúi xuống. Tôi lo lo. Đến khi buông màn kết thúc, khi Bác nắm tay chúng tôi động viên, cổ vũ, đồng chí Trường Chinh mới cho biết là xem lớp đó, Bác nói với đồng chí ngồi bên rằng: “Thấy giặc quăng đầu đồng chí mình như vậy, Bác đau nhói trong tim, chịu không nổi!”. Lời Bác nói đã làm chúng tôi giật mình nhìn kỹ lại, khiến ai cũng ghê sợ lớp tuồng đó. Bác đã thức dạy trong chúng tôi, đã dạy chúng tôi một cảm xúc thẩm mỹ mới. Từ ấy không ai có thể diễn nổi lớp đó nữa, và cũng từ ấy lớp đó bị cắt bỏ.

Qua năm 1959, chúng tôi lại được Bác gọi lên lần nữa. Lần này ông Tảo và tôi diễn lớp Trại Ba níu chồng là Địch Thanh. Theo lời đồng chí Lê Văn Hiến kể lại thì Bác thích lớp tuồng này lắm. Diễn xong, tôi được nắm tay Bác và được nghe lời Bác dạy. Tôi quên sao được cái nhìn trìu mến như cha nhìn con, tiếng nói đượm hơi ấm tình thương của Bác: “Hay lắm! Nghệ thuật của cha ông để lại hay lắm. Phải giữ cho được, nhưng chớ gieo vừng ra ngô!”



Tập 13: CÂU CHUYỆN XÂY DỰNG HỘI TRƯỜNG

Trước năm 1960, Ban Bí thư quyết định làm một hội trường lớn ở khu Quần Ngựa và đã di chuyển cơ sở quân sự ở đó đi nơi khác. Lý do là vào thời kỳ đó, Liên Xô làm Cung Đại hội, Trung Quốc xây dựng nhà Quốc hội, vì thế nước ta đã gấp rút thành lập Ban chỉ huy xây dựng hội trường do đồng chí Trần Quý Hai, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm chỉ huy trưởng. Chúng ta cũng đã chi một số tiền lớn vào công việc xây dựng.

Các đồng chí trong Ban Bí thư xem đây là việc nhỏ nên đã không báo cáo với Bác. Nhưng không biết bằng cách nào, Bác biết tin và nói:

- Chưa nên làm vì dân ta còn khổ quá. Bao giờ dân ta khá hơn, xoá được các nhà ổ chuột thì hãy làm. Mình nghèo anh em ai người ta chả biết, không có gì phải xấu hổ vì không có hội trường lớn.

Công trình xây dựng hội trường lớn được dừng lại, chỉ xây một hội trường vừa phải, đó là Hội trường Ba Đình của chúng ta bây giờ.



Tập 14: QUÀ CỦA BÁC HỒ TẶNG CÁC CHÁU

Ngày Tết dư­ơng lịch năm 1960, mọi người lên Phủ Chủ tịch để chúc Tết Bác Hồ. Các cơ quan, đoàn thể trong n­ước, đoàn ngoại giao và ủy ban quốc tế đều đến đông đủ.

Vẫn trong bộ ka ki giản dị, với phong thái ung dung, chủ động, Bác đáp lễ vui vẻ và nói lời chúc mừng.

Sau tiệc ngọt, Bác cầm lấy một quả táo to cùng một túi kẹo đứng lên. Bác đi đến chỗ ông Đại tư­ớng Ấn Độ và hỏi:

- Ngài Đại tướng có mang phu nhân sang đây không?

Vị Đại t­ướng râu hùm, hàm én, lẫm liệt oai phong là vậy mà lúc ấy, vì vô cùng xúc động tr­ước vinh dự bất ngờ, bỗng lộ vẻ lúng túng, ấp úng đáp:

- Thư­a Chủ tịch, cảm ơn Chủ tịch, tôi chỉ mang theo sang đây cháu trai năm nay chín tuổi.

- Thế thì - Bác Hồ nói - tôi gửi ông mang về cho cháu quả táo này và gửi cháu những cái hôn.

Mọi người đều xúc động và vô cùng cảm phục một cử chỉ vừa thân mật vừa tự nhiên của Hồ Chủ tịch.

Rồi quay lại phía khách n­ước ngoài, Bác nói:

- Tết nhất, ở nhà các vị chẳng thiếu thứ gì. Nh­ưng xin các vị hãy cầm lấy chút hoa quả ở trên bàn và mang về gọi là quà của Bác Hồ tặng các cháu ở nhà.

Cả phòng khách bỗng ồn ào nhộn nhịp hẳn lên. Khách n­ước ngoài khách trong nư­ớc ùa đến bàn tiệc, cầm lấy táo, lê, bánh kẹo, nét mặt hớn hở.



Tập 15: CÁC CHÚ BỘ ĐỘI CŨNG PHẢI BIẾT HÁT

Hồi ấy, vào những năm 1960, hàng tuần, những tối thứ bảy và chủ nhật, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 chúng tôi thường được đến xem phim với Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Như thường lệ, trước khi chiếu phim, các cháu thiếu nhi ở khối văn phòng cơ quan lên hát góp vui. Có hôm có cả các chị Trần Thị Tuyết, Ngọc Dậu và các ca sĩ khác đến hát và ngâm thơ, hát chèo. Bác thích xem hát chèo. Có hôm, các anh chị trong khối văn phòng, nhiều anh chị đã lớn tuổi cũng đứng lên thành hàng để hát. Mỗi lần hát xong được Bác thưởng kẹo.

Hôm đó, cũng như ngày khác, chúng tôi được đến xem, ai nấy đều đã ngồi vào vị trí. Tất cả hướng về Bác như chờ đến giờ Bác cho xem. Bỗng thấy Bác nhìn và cười vui, chỉ tay về phía cán bộ, chiến sĩ chúng tôi nói: “Hôm nay các chú bộ đội lên hát để Bác xem”. Cán bộ, chiến sĩ chúng tôi đứng lên xếp hàng ngay ngắn. Nhưng rồi không thể hát được, vì quá đột ngột, vì chưa tập, chưa quen đứng lên hát như thế bao giờ. Tất cả cứ đứng ngây người ra. Đồng chí Lợi, Bí thư Đảng ủy thưa với Bác là xin để lần sau lên hát. Bác nhìn chúng tôi âu yếm và cười vui đôn hậu, rồi Người nói: “Các chú bộ đội cũng cần biết hát, biết biểu diễn văn nghệ để đơn vị được vui tươi, lành mạnh. Đó là tiêu chuẩn thi đua của đơn vị”.

Từ hôm đó trở về sau này, đơn vị chúng tôi tổ chức tập hát, đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ, viết báo tường và coi đó là một trong những chỉ tiêu thi đua. Văn hoá, văn nghệ cũng được chấm điểm như các chương trình huấn luyện khác. Và cũng nhờ tập luyện văn nghệ thường xuyên như thế, đơn vị chọn ra một số anh em có năng khiếu làm hạt nhân để hằng tuần, mỗi buổi đến xem phim lên hát góp vui. Đây là việc khó của đơn vị vì phần đông anh em là những cán bộ có kinh nghiệm trong chiến đấu, công tác, đã qua thử thách, tuổi đã từng trải, từng là cán bộ trung đội, đại đội về đây làm chiến sĩ. Còn nhớ, đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, chúng tôi lần đầu tiên được lên hát để Bác nghe. Nhiều đồng chí mới tập hát và cả những người chưa quen hát bao giờ cũng đứng lên thành hàng, hát bài “Mùa xuân ơn Đảng”, được Bác khen: “Thế là tốt rồi”, được Bác thưởng kẹo.

Tôi (Minh Hiền) và đồng chí Khuê được đơn vị và chi đoàn phân công tập một làn điệu chèo. Đây là một việc khó vì là lần đầu chúng tôi tập hát chèo (tôi quê ở Quảng Bình). Đơn vị không có nữ, tôi được phân công đóng vai con gái, lại còn khó hơn. Không ngờ sau quá trình luyện tập, buổi hát hôm ấy đạt kết quả hơn mong đợi, được Bác khen: “Hát thế là tốt”. Rồi tất cả anh em chúng tôi xếp thành hàng để được Bác thưởng kẹo. Bác nhìn trong hàng không thấy tôi, vì lúc ấy tôi đang lui lại phía sau để tẩy trang, Bác hỏi: “Cháu gái đâu rồi?”. Tôi nghe Bác hỏi, vội vàng đi đến bên Bác và xúc động nói: “Dạ thưa Bác, cháu đây ạ”. Lúc này tôi mới bỏ được tóc giả, còn lại quần áo con gái vẫn còn nguyên. Thấy tôi trong trang phục như thế Bác cười, xoa đầu tôi và khen: “Cháu hát tốt lắm, Bác thưởng kẹo nhiều hơn”.



Tập 16: CHUYỆN Ở HỘI TRƯỜNG ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ III

Trước ngày khai mạc Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), Bác Hồ đến duyệt lần cuối việc trang trí ở hội trường. Nhìn thấy ảnh Các Mác và Lênin treo ở trên cao, Bác gọi mấy hoạ sĩ lại và nói: “Tại sao lại để Lênin trước Mác? Mác có trước. Lênin có sau cơ mà?”. “Dạ thưa Bác, đây là bức ảnh có sẵn ạ”. “ Có sẵn cũng phải sửa”, Bác nói. Thế là suốt đêm hôm ấy mấy anh họa sĩ phải sửa lại bức ảnh theo lời dạy của Bác: Lênin đứng đằng sau Các Mác. Nhìn quanh hội trường một lượt, Bác hỏi: “Phông màn và rèm cửa trong hội trường bằng vải gì mà đẹp thế?”. “Dạ thưa Bác, là nhung ạ...”. Bác lại hỏi: “Các chú lấy vải nhung ở đâu ra?”, “Dạ thưa Bác, chúng cháu đi mượn ở Công ty Bách hóa ạ”. Bác cười hồn hậu: “Các chú có biết rằng: các chú trang trí như thế này ở Đại hội Đảng toàn quốc thì các đại biểu ở địa phương cũng sẽ trang trí y hệt ở Trung ương không? Ở địa phương, họ lấy đâu ra nhiều vải nhung như thế để trang trí?”. Thế là ở hội trường Đại hội Đảng lần thứ III năm ấy đã được trang trí lại bằng vải thường. Thời gian ấy, không giống như hiện nay, thường Đại hội Đảng toàn quốc xong mới tiến hành Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh. Nhìn những chiếc quạt điện để quanh hội trường, Bác lại hỏi: “Các chú lấy đâu ra nhiều quạt thế?”. “Dạ, thưa Bác, cũng mượn ở Công ty Bách hoá. Chúng cháu sơn lại cho cùng màu ạ”. Bác cười và nói: “Mượn của người ta thì phải trả, sao các chú đem sơn lại như thế? Sơn lại như thế thì họ sẽ bán cho ai? Theo Bác, mượn của người ta như thế nào, cứ để nguyên như thế mà dùng, có sao đâu”. Trước khi ra về, Bác xuống xem cả khu vực vệ sinh. Một cô gái phục vụ đang sắp xếp lại một chồng khăn mặt, trông thấy Bác, cô gái chào Bác và nói: “Thưa Bác. Đây là chồng khăn mặt để đại biểu sau khi đi vệ sinh xong lau tay”. Bác hỏi: “Sao có ít thế?”. “Thưa Bác, còn nhiều nữa, bao giờ hết cháu sẽ đem vào bổ sung ạ”. Bác cười: “Lúc hết, cháu mới đem vào bổ sung, thế thì ngượng chết. Theo Bác không nên dùng khăn mặt ở đây, mà nên lấy vải diềm bâu hẹp khổ khâu liền lại thành những băng tròn treo lên dây một loạt, đại biểu nào cần lau tay cứ việc cầm lấy mà lau, vừa tiện lợi, vừa đỡ tốn kém”.



Tập 17: THẾ LÀ TA ĐẸP CHUNG

Tháng 3-1960, hai cán bộ tỉnh Nghệ An (ông Nghị, Phó Trưởng Ty Văn hoá và ông Liên, Bí thư xã Nam Liên) ra Bộ Văn hoá báo cáo và nhận kế hoạch xây dựng Nhà lưu niệm Hồ Chủ tịch và nhà khách ở quê, được Bác cho gọi vào gặp.

Các ông đến thì Bác và Thứ trưởng Bộ Văn hoá Lê Liêm đang chờ. Bác ân cần hỏi thăm các cán bộ ở tỉnh và bà con trong xã, tình hình mùa màng, công tác thủy lợi, rồi nói đại ý: Nam Liên là gọi cho đẹp thế thôi, trước đây là Làng Sen, còn Nam Chung thì gọi là làng Chùa, chứ ai biết Liên, Chung gì đâu. Còn cái nhà của Bác mấy năm qua các chú sửa sang lại, có nhiều cái đúng, nhưng cũng có cái không đúng. Ví dụ như cái thềm bằng đất chứ không phải bằng xi măng. Nhắc đến bộ đồng, Bác hỏi: Nghe nói các chú đã tìm được, làm sao mà biết chắc chắn đó là bộ đồng nhà Bác? Dạ, cũng là nhờ hỏi các cụ phụ lão. Nghe ông Liên đáp, Bác hỏi tiếp: Nghe nói Nam Liên nhiều khách đến thăm phải không? Tưởng là Bác đã đi vào việc, ông Nghị “dạ” thật to, nhưng Bác đã hỏi: “Đường từ Vinh lên Nam Liên bao nhiêu cây số?”. Dạ thưa “13 cây”. Bác nhẩm tính: “Hơn 13 cây, đi xe đạp chậm lắm mất một giờ rưỡi, thì cho đi hai giờ, đi ô tô chậm lắm mất nửa giờ...; sáng đi, trưa về Vinh nghỉ. Đi xe đạp thì đi sớm một chút, trưa cũng về Vinh…”, rồi nói rõ: Đừng bày chuyện xây dựng nọ kia làm gì cho tốn kém của dân!

Đến đây thái độ của Bác rất nghiêm khắc, hỏi dồn dập: “Nghe nói các chú đang xây dựng trong kia phải không?”, “Làm đến đâu rồi?”. “Những cái sai đã sửa chưa?”; “Bây giờ làm gì nữa?”; “Ai cho tiền làm?”; “Ai chịu trách nhiệm làm?”; “Ai ký giấy cấp tiền?”; “Cấp bao nhiêu?”; “Đã tiêu hết bao nhiêu rồi?”… Thứ trưởng Lê Liêm và hai cán bộ tỉnh trả lời không kịp.

Nghe báo cáo tiền được cấp hơn ba nghìn và đã tiêu hết bao nhiêu rồi, Bác bảo ông Nghị: Còn bao nhiêu trả lại Nhà nước. Thiếu đồng nào chú chịu trách nhiệm bỏ tiền túi ra mà bù nhé! Ba người nhìn nhau, im lặng. Bác trở lại thân mật, ôn tồn giảng giải: Thôi, bây giờ những vật liệu đã mua rồi, như : vôi, gạch, ngói, đá, sỏi… thời giao lại cho ngành giáo dục làm trường học và ngành y tế làm nhà hộ sinh. Việc sửa sang nhà Bác, làm nhà lưu niệm, nhà đón tiếp, dứt khoát phải đình chỉ. Các chú muốn cho quê Bác đẹp thì phải xây dựng chung, trước hết là sản xuất phải cho thật tốt, xã viên thật no đủ, đường sá thật sạch sẽ, trồng cây thật nhiều, vừa lấy gỗ, vừa có bóng mát. Các cháu ăn no, có quần áo đẹp, học cho giỏi, thế là ta đẹp chung. Còn nếu đường sá chật hẹp, các cháu ốm yếu, không được học hành, mà các chú lo tô vàng lên nhà Bác cho đẹp, thì chẳng qua là trát tí phấn lên bộ mặt gầy gò. Việc đó không nên và nhất thiết không được làm.

Bác bảo ông Vũ Kỳ lấy ra gói hạt phượng. Bác trao cho ông Liên và dặn: Loại phượng này cành lá sum xuê, nên trồng hai bên đường để các cháu đi học hay bà con đi làm về thì có bóng mát. 


Tập 18: TẤM LÒNG BÁC BAO DUNG TẤT CẢ

Bác Hồ yêu các cháu, hiểu các cháu, tin tưởng các cháu. Vì đó là tương lai của dân tộc, là những mầm non, những búp trên cành… Tình yêu đó thấm đậm tình người.

Một sự tình cờ đầy ý nghĩa - sau ngày sinh của Bác Hồ là sắp đến ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6.

7 giờ ngày 27 tháng 5.

Bác gọi chị Thu Trà đến hỏi về tình hình có một số cháu học sinh miền Nam nghịch ngợm, quấy phá mà Bác được nghe báo cáo. Việc đó là có thật.

Nhưng Bác hỏi về khía cạnh khác: Các cô, các chú dạy dỗ thế nào? Bởi lúc ba má các cháu gửi ra miền Bắc thì các cháu đều ngoan và ba má các cháu đều tin tưởng ở hậu phương.

Bác nhắc phải chú ý đến việc các cháu thiếu tình cảm gia đình, phải tìm cách bù đắp. Rồi Bác kết luận: Lỗi các cháu một phần thì lỗi của người lớn chúng ta phải là mười phần.

Quả nhiên, sau này đưa các cháu đến với sự chăm sóc của các gia đình cán bộ khác thì các cháu đỡ hẳn chuyện gây gổ, nghịch ngợm. Phần Bác cũng nhận chăm sóc một cháu trai, hai cháu gái, con đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam.

Bác luôn luôn coi trọng trẻ em bởi với Bác trẻ em cũng là một nhân cách, một thực thể đáng tôn trọng chứ không chỉ đáng yêu mến.

Nhớ hồi năm 1957, một hôm Bác hỏi tôi chuyện riêng tư:

- Chú Kỳ này, có bao giờ chú đánh con không?

Tôi ấp úng vì quả là lúc giận quá tôi cũng có đánh các cháu.

Không dám giấu Bác, tôi thú thật:

- Thưa Bác, khi nóng giận cũng có lúc tôi đánh dọa vài cái rồi ạ.

Bác vẫn không cao giọng, nhưng nghe thấy nghiêm khắc hơn:

- Thế là dã man đấy, chú ạ.

Tôi suy ngẫm thấy rất đúng.

Bác nhìn nhận khuyết điểm, nhược điểm của con người một cách bình tĩnh như hiểu cái lẽ tự nhiên “bàn tay có ngón ngắn ngón dài vậy”. Tấm lòng Bác mở rộng, bao dung cho tất cả…

Bác không nói trẻ em hư, không nói con người hỏng, mà nhận xét có một số chậm tiến, có một số cụ thể có lúc nào đó, ở chỗ nào đó chưa tốt, chưa hay lắm, cái chưa hay, chưa tốt ấy cần được uốn nắn một cách chân tình và kịp thời.



Tập 19: HỎI ÔNG BỘ TRƯỞNG

Vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX, tôi (Trần Ngọc Lân) phụ trách mục thơ châm “Ngược dòng 3 tốt” của báo Thương nghiệp. Tôi nhớ mãi một lần, nhân nghe chuyện mậu dịch Bắc Kạn bán cá khô mà giá đắt gấp 5 lần giá thịt lợn, nên bị ế, tôi viết ngay thành bài thơ châm:

Cá tươi đồng mốt một lô

Đem về ướp muối, phơi khô: năm đồng

Trong kho cá xếp chất đồng

Xuất ra rồi lại chạy vòng về kho

Cá nằm cá… khóc nhỏ to:

Vì đâu giá đắt người mua lắc đầu?

Nỗi niềm đã ngỏ từ lâu

Hỏi người duyệt giá cao sâu nghĩ gì?

Nghĩ gì… khi cá đổ đi?

Báo phát hành được vài hôm thì bất ngờ Văn phòng Bộ Nội thương nhận được số báo có đăng bài thơ châm ấy từ Phủ Chủ tịch gửi tới! Mở ra xem thì thấy dưới câu thơ thứ 8: “Hỏi người duyệt giá cao sâu nghĩ gì”, có một nét chì đỏ đậm, kèm theo dòng chữ: “Hỏi chú Nguyễn Thanh Bình”, bên cạnh ký tên: Bác Hồ!...

Chả là hồi ấy Bộ trưởng, Bộ Nội thương là đồng chí Nguyễn Thanh Bình mà.

Tôi (Nguyễn Thành) còn nhớ như in vào một buổi sáng hè (tháng 6-1960), sau khi dự Đại hội đoàn kết chống hạn tại Ứng Hòa - Mỹ Đức xong, Bác ra cánh đồng thôn Thái Bình, xã Vạn Thắng (Ứng Hòa) thăm nông dân chống hạn.

Những năm ấy, vì hệ thống mương máng, thủy lợi chưa có là bao nên bà con nông dân rất vất vả, nắng quá thì hạn, mưa nhiều thì úng. Đời sống của hàng triệu nông dân chỉ trông chờ vào đồng ruộng, thật bấp bênh.

Hôm ấy, Bác mặc quần áo gụ, đội mũ lá cọ, chân đi dép cao su, quần xắn trên đầu gối, khăn vắt trên vai, tay chống gậy đi ra cánh đồng thăm bà con nông dân đang tát nước.

Mới 10 giờ mà trời nóng như đổ lửa, chúng tôi - những cán bộ đi theo cũng thấm mệt, mồ hôi vã như tắm tràn xuống mặt giàn giụa, tràn vào miệng mặn chát. Bác đi rất nhanh. Mặc dù đường sống trâu, Bác vẫn thoăn thoắt đặt chân trên các gồ đất cách nhau 30-40cm một cách nhẹ nhàng như một lão nông dân thực thụ. Đến đầu một con mương, đồng chí Chủ tịch tỉnh Hà Đông thấy bờ mương hẹp khó đi, vội chạy lên trước để mời Bác đi theo đường chính. Bác xua tay và rẽ vào bờ mương để đến chân ruộng bà con đang lao động giữa cánh đồng bị hạn. Tất nhiên chúng tôi phải đi sau và cố hết sức mới kịp. Đến một chỗ bờ mương bị xẻ ra chừng 1,5m để tát nước gần đấy, đồng chí Chủ tịch tỉnh lại chạy lên định dắt Bác, chưa kịp thì Bác đã nhảy phắt qua hố và rẽ sang bên kia. Những người theo sau, người thì nhảy qua được, người thì phải men xuống ruộng để qua.

Thấy Bác đến, lại còn mặc như lão nông, bà con vui mừng bỏ cả gầu đổ xô lại vây quanh Bác rất đông. Có cháu thiếu niên 14, 15 tuổi len đến bên Bác, đưa tay lên vuốt râu Bác. Bác thân mật thăm hỏi mọi người, bắt tay bà con rồi nói bằng giọng miền Bắc pha xứ Nghệ ấm áp:

- Thủa nhỏ, đã nhiều năm tôi sống với bà con hàng xóm làm nông nghiệp, tôi hiểu nỗi cơ cực của bà con khi trời hạn hán. Bây giờ chúng ta có chính quyền, bà con đã làm chủ ruộng đồng, gặp lúc thiên tai phải cùng nhau đoàn kết chống hạn, cứu lúa.

Mọi người “vâng ạ!” thật rõ và to. Sau đó Bác lên đạp guồng cùng với một bác nông dân ngoài 50 tuổi để bác nông dân guồng đỡ vất vả và được nhiều nước. Bác căn dặn chính quyền thôn xã tích cực huy động bà con biết nghề mộc xẻ gỗ để đóng guồng.

Bà con hỏi Bác đủ thứ chuyện. Bác đều trả lời thân mật, dễ hiểu. Trước khi chia tay với bà con nông dân, Bác đã đọc hai câu thơ:

“Hỡi ai bưng bát cơm đầy, 

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

Mọi người xúc động đứng mãi tại nơi đã gặp Bác, vẫy chào tạm biệt.



Tập 20: NẾU CÒN SỬ DỤNG ĐƯỢC THÌ CỐ MÀ TẬN DỤNG

Năm 1960, Bác ra thăm đảo Hòn Rêu ở Quảng Ninh. Trời trở lạnh, Bác lấy tất ra đi. Mấy chị bên Khu Hội phụ nữ thấy tất Bác không còn mới liền đem lại một đôi tất mới để Bác thay.

Ngay lúc ấy Bác không nói gì. Bác cúi xuống xoay chỗ tất sờn rách vào phía dưới lòng bàn chân và nói: Các cô chú xem tất Bác còn rách không? Nước mình còn nghèo, cái gì cũng vậy, nếu còn sử dụng được thì cố mà tận dụng, đừng vội vứt đi!

Một lần, khi sang Pháp đàm phán ở Hội nghị Phôngtennơblô trở về, Người ta thấy cụ Chủ tịch nước mặc một bộ quần áo ka ki đã cũ. Có người đề nghị Chủ tịch thay bộ quần áo khác, Chủ tịch đáp: Nhiều đồng bào ta nếu được bộ quần áo như thế này cũng là tốt lắm. Thế thì việc gì tôi phải thay.

Tâm Gà sưu tầm


[ Phần 02 ] Những Mẫu Chuyện Hay Kể Về Bác Hồ

Bạn đang xem một trong các bài viết tại Chuyên Mục Chuyện Bác Hồ. Và đây là địa chỉ link bài viết http://www.c10mt.com/2012/10/phan2-chuyen-ke-ve-bac-ho.html . Tâm Gà xin cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này. Đừng quên nhấn LIKE Chia Sẻ để ủng hộ Tâm Gà nếu bài viết có ích !
Tuesday, October 2, 2012 DMCA com Protection Status