[ Phần 03 ] Những Mẫu Chuyện Hay Kể Về Bác Hồ. Đây là những mẫu chuyện kể về Bác Hồ. Mà Tâm Gà sưu tầm được, nhằm mục đích cho chúng ta học tập và noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
---- Phần 03 : gồm có các mẫu chuyện sau đây
Tập 21 : Ai thích đi nhanh thì đổi xe mới
Tập 22 : Trở lại Pác Pó ( Cao Bằng )
Tập 23 : Gà vùng nào thì hợp với vùng đó
Tập 24 : Phong cách ứng xử thân tình
Tập 25 : Phê phán căn bệnh hình thức chủ nghĩa
Tập 26 : Bác có phải vua đâu
Tập 27 : Bữa ăn tập thể
Tập 28 : Để Bác thuyết minh cho
Tập 29 : Đạo đức người ăn cơm
Tập 30 : Ngăn nắp và trật tự
----------- Nào hãy cùng Tâm Gà đọc tiếp nhé
Tập 21: AI THÍCH ĐI NHANH THÌ ĐỔI XE MỚI
Chiếc Pôvêđa là quà của Liên Xô tặng Bác, từ ngày về tiếp quản Thủ đô Bác vẫn dùng. Chiếc xe đã cũ, Văn phòng Trung ương xin phép được đổi cho Bác xe khác mới và tốt hơn. Thấy vậy, Bác hỏi đồng chí lái xe:
- Xe của Bác đã hỏng chưa?
Đồng chí lái xe thành thật:
- Thưa Bác xe chưa hỏng, nhưng chúng cháu muốn đổi xe mới để Bác đi nhanh và êm hơn.
Bác cười bảo:
- Thế thì chưa đổi… ai thích đi nhanh thì đổi xe mới, còn Bác thì vẫn dùng xe này vì nó chưa hỏng.
Một hôm sắp đến giờ Bác đi làm việc mà xe chưa phát máy được. Thấy Bác đứng đợi, đồng chí lái xe rất lo lắng. Đoán xe có sự cố, Bác bước lại gần ân cần bảo đồng chí lái xe:
- Máy móc thì có lúc nó trục trặc, chú cứ bình tĩnh mà sửa.
Vài phút sau, xe sửa xong, đồng chí lái xe xin lỗi Bác, Bác cười độ lượng:
- Thế là xe Bác vẫn còn tốt. Lần sau chú nhớ kiểm tra trước kẻo nhỡ việc của Bác.
Thế là Bác vẫn dùng chiếc xe Pôvêđa cũ kỹ cho đến ngày Bác đi xa.
Tập 22: TRỞ LẠI PÁC BÓ ( CAO BẰNG )
Đầu năm 1961, đồng bào Pác Bó (Cao Bằng) đang vui xuân thì được tin có phái đoàn Đảng, Chính phủ về thăm quê hương cách mạng. Đồng bào ai cũng thầm ước mong trong đoàn có Bác. Thế rồi điều mong ước của đồng bào Pác Bó đã trở thành hiện thực. Chiều ngày 19-2 năm đó, chiếc máy bay lên thẳng đưa Bác và phái đoàn đến thị xã Cao Bằng. Sáng ngày 20-2, xe ô tô đưa Bác cùng mọi người đến Đồn Chương. Đồng bào biết tin ra đón Bác. Họ còn mang cả ngựa đến để Bác và phái đoàn đi cho khỏi mệt, nhưng Bác đã từ chối không đi ngựa mà đi bộ. Dọc đường Bác vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ với đồng bào, cùng ôn lại những năm tháng hoạt động gian khổ ở Pác Bó 20 năm trước, khi Bác mới về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Khi Bác vừa đến Pác Bó, đồng bào già trẻ gái trai chạy ùa ra vây quanh Bác. Có cụ già nắm lấy tay Bác lắc lắc. Các bà, các chị ai cũng mừng mừng tủi tủi, nhớ lại những ngày cơ cực trước Cách mạng và cảnh no ấm tự do ngày nay. Thấy mọi người kéo đến ngày một đông, Bác liền hỏi: “Bà con làm gì mà đông thế này?”. Đồng bào vui vẻ reo lên: “Đón Bác! Đón Bác! Năm mới chúc Bác mạnh khỏe sống lâu. Bác nhìn mọi người và bảo: “Tôi về thăm nhà mà sao lại đón tôi?”. Nghe Bác nói vậy, đồng bào ai cũng cảm động rưng rưng nước mắt. Thực vậy, Bác về thăm Pác Bó là về thăm nhà. Nhà Bác, quê hương của Bác không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn mà nhà Bác, quê hương Bác là căn cứ địa cách mạng, là mọi nơi trên đất nước Việt Nam yêu dấu.
Sau khi gặp gỡ thân tình mọi người, Bác nói chuyện với đồng bào trong khối mít tinh. Bác đến thăm một số gia đình, cùng ăn bữa cơm thân mật với nhà một đồng bào rồi ra thăm lại hang Pác Bó năm xưa. Đứng trước cảnh non nước mây trời một vùng biên giới của tổ quốc được tự do, giải phóng, đã từng in dấu và che chở Người trong buổi đầu Cách mạng, Bác xúc động đọc mấy câu thơ:
“Hai mươi năm trước ở nơi này
Đảng vạch con đường đánh Nhật - Tây
Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu
Non sông gấm vóc có ngày nay”.
Hình ảnh Bác và những kỉ niệm về Người luôn sống mãi trong lòng đồng bào Pác Bó cũng như đồng bào trong cả nước.
Tập 23: “GÀ” VÙNG NÀO HỢP VỚI VÙNG ẤY
Sau Đại hội Phong trào dân tộc tự trị Tây Nguyên (1961), Ban Chấp hành của phong trào cử cụ Chủ tịch Ibi Alê - ô ra thăm miền Bắc.
Hôm cụ Ibi Alê-ô vào tiếp kiến Hồ Chủ tịch, Bác ân cần tiếp đãi và hai người thân mật trò chuyện. Cụ năm nay bao nhiêu tuổi rồi? Thưa Bác, năm nay tôi đúng 61 mùa rẫy ạ. Từ trong chiến trường ra ngoài này, cụ đi mất bao lâu? Thưa Bác, ba tháng ạ. Đi xa như thế này, cụ có thấy mệt không? Có. Nhưng nhờ các cháu thanh niên giúp đỡ nên tôi cũng đi đến nơi đúng thời gian. Bác mời cụ Ibi Alêô ăn cam, ăn chuối, những trái cây trong vườn do Bác trồng và cũng là những thứ mà cụ thích. Cụ xúc động, rơm rớm nước mắt, không hiểu vì sao Bác Hồ lại biết rõ sở thích của mình mà chiều đến thế. Chắc chắn là Bác hiểu tấm lòng của nhân dân Tây Nguyên lắm.
Bác hỏi tình hình chiến đấu và đời sống của đồng bào trong đó. Cụ Ibi Alêô thưa: Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên cũng như miền Tây thiếu thốn đủ thứ. Muối chưa đủ mặn, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc. Nhưng truyền thống đoàn kết chiến đấu bất khuất bảo vệ Tổ quốc thì không nghèo. Nhân dân Tây Nguyên không sợ gian khổ hy sinh, mà chỉ sợ mình mất cái đất làm ăn của ông cha để lại đó thôi. Bác Hồ rất vui. Cụ Ibi Alêô nói tiếp: Đồng bào Tây Nguyên còn nghèo lắm, nghèo cả cán bộ nữa, muốn xin Bác có nhiều cán bộ giỏi ạ. Bác lại cười, nhẹ nhàng hỏi: Đồng bào ta có nuôi gà không? Thưa Bác, đồng bào nuôi nhiều gà lắm. Đồng bào nuôi nhiều gà như thế là tốt. Lần này gà đẻ năm trứng, lần sau sáu, bảy trứng, mười trứng, rồi nở thành con. Chính là những con gà đẻ và nở trong ấy mới thích hợp với hoàn cảnh ở đó.
Bác lại cười… Lúc sau, cụ Ibi Alêô hiểu ra rằng không phải Bác Hồ nói chuyện nuôi gà mà là khuyên cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người các dân tộc. Mắt cụ sáng lên, sung sướng.
Tập 24: PHONG CÁCH ỨNG XỬ THÂN TÌNH
Ngày 15-12-1961, đoàn đại biểu quân sự Trung Quốc do Nguyên soái Diệp Kiếm Anh dẫn đầu sang thăm hữu nghị nước ta. Bộ Ngoại giao và Văn phòng Bộ Quốc phòng đã lên kế hoạch đón đoàn. Đoàn đại biểu sẽ đến chào Bác ngay sau khi tới Việt Nam. Khi báo cáo vấn đề trên với Bác, Bác nói:
- Hồi trước, khi Bác đi từ Diên An về phương Nam, đồng chí Diệp Kiếm Anh đã từng là đội trưởng và Bác là bí thư chi bộ. Nay đồng chí ấy đến Việt Nam mà Bác lại đợi đồng chí ấy đến chào chính thức là không thân tình. Do đó, Bác quyết định là Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ ra đón đoàn ở sân bay, khi về tới Bắc Bộ phủ đã có Bác. Bác sẽ dự cơm thân mật với đoàn đại biểu quân sự Trung Quốc, nhưng không công bố trên báo, vì như vậy sẽ không tiện về mặt lễ tân. Bởi vì lúc đó Bác là Chủ tịch nước, còn đồng chí Diệp Kiếm Anh chỉ là một trong mười nguyên soái của Trung Quốc, chưa phải là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhưng là chỗ thân tình từ trước nên Bác sẽ có mặt ở Bắc Bộ phủ. Bác không thể làm khác được. Đó là một cách xử trí rất tinh tế của Bác về mặt ngoại giao lại có lý, lại có tình.
Tập 25: PHÊ PHÁN CĂN BỆNH HÌNH THỨC CHỦ NGHĨA
Tôi nhớ, năm 1961 Bác Hồ có dịp về thăm quê ở Nghệ An. Trước lúc Bác về tôi (Thiếu tướng Nguyễn Văn Xoàn) được cử đi tiền trạm. Tôi dặn các đồng chí trong Tỉnh ủy Nghệ An: Lần này Bác về thăm quê, các anh đừng làm những việc gì không cần thiết để Bác phật lòng, phương châm là tôn trọng, chu đáo nhưng phải tiết kiệm. Các đồng chí ở Tỉnh ủy Nghệ An không đồng ý, muốn làm lớn vì đã lâu Bác mới có dịp về thăm quê. Tỉnh ủy chuẩn bị sẵn một chiếc ô tô con, mui trần để đi đón Bác. Tôi bảo như vậy cũng được nhưng hình thức chiếc xe bình thường thôi. Các anh Tỉnh ủy “chơi nổi” lấy vải trắng kết xung quanh xe, rồi còn lót vải trắng trong xe…
Bác xuống sân bay Nghệ An, các đồng chí Tỉnh ủy niềm nở mời Bác lên xe đó. Bác nhìn chiếc xe rồi cười: “Mấy chú cứ ngồi chiếc xe này chứ Bác không ngồi đâu. Bác về là để cốt thăm quê hương, đồng bào chứ có là quan khách đâu mà các chú làm hình thức, tốn kém”. Nói đoạn, Bác đi đến chiếc xe đi đầu, mui trần của bảo vệ, bước lên ngồi cạnh anh tài xế. Sau phen ngơ ngác, anh em bảo vệ buộc phải ngồi trên chiếc xe bọc vải trắng. Dọc đường nhân dân đi đón Bác đều hướng mắt vào chiếc xe vải trắng nhưng chỉ thấy toàn cảnh vệ, chẳng thấy Bác đâu. Ít ai ngờ được rằng chính Bác lại ngồi ở chiếc xe bình thường của cảnh vệ đi đầu.
Về đến nhà khách Tỉnh ủy, vừa trò chuyện Bác vừa nhìn ra con đường đi vào thấy có nhiều bông hoa rực rỡ nở đều trồng hai hàng ngay ngắn. Bất chợt Bác đi ra đường, dùng tay nhổ nhẹ một cánh hoa lay ơn. Tuyệt nhiên cánh hoa nhẹ bỗng, phía gốc không có một chiếc rễ nào. Gọi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến, Bác bảo: “Đây là một việc làm thiếu chân thực và lãng phí. Tưởng các chú trồng hoa thì hay, có lợi cho môi trường. Nào ngờ vì Bác vào thăm nên các chú phải mua bông này về trồng. “Trồng” hình thức nó sẽ chết. Đây là một căn bệnh phô trương hình thức. Đón Bác như thế này Bác không vừa lòng”. Các đồng chí trong Tỉnh ủy Nghệ An liền đồng thanh xin lỗi Bác và hứa sẽ sửa chữa khuyết điểm.
Tập 26: BÁC CÓ PHẢI LÀ VUA ĐÂU
Bác Hồ là vị lãnh tụ của nhân dân, được nhân dân tin yêu, coi như ngọn cờ của toàn dân tộc. Nhưng Bác rất gần nhân dân và không cho phép mình đòi hỏi cho mình bất cứ một ngoại lệ, một đặc quyền đặc lợi gì.
Cuối năm 1961, Bác Hồ về quê hương Nghệ An thăm hỏi bà con xã Vĩnh Thành - nơi có phong trào điển hình về trồng cây. Bác đứng giữa nắng trưa nói chuyện với nhân dân khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng. Đồng chí Chủ tịch huyện thấy vậy cho tìm mượn được chiếc ô, định dương lên che nắng cho Bác. Thấy vậy Bác quay lại hỏi: Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi cất đi, Bác có phải là vua đâu?
Một lần, trong bữa ăn, đồng chí phục vụ dọn lên cho Bác một đĩa cá anh vũ, một loại cá sông quý hiếm thường chỉ có ở khúc sông Bạch Hạc - Việt Trì. Nhìn đĩa cá biết ngay là của hiếm, Bác khen và bảo: Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) lại đi vắng. Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức. Tưởng chuyện cũng sẽ qua đi, nhưng đến bữa sau, trong mâm cơm lại có món cá hôm trước. Nhìn đĩa cá, Bác hiểu ngay và tỏ ý không bằng lòng: Bác có phải là vua đâu mà phải cúng tiến!
Rồi Người kiên quyết bắt mang đi không ăn nữa. Như Bác đã từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì Bác đâu có chấp nhận.
Tập 27: BỮA ĂN TẬP THỂ
Khi đã về ở, làm việc trong Bắc Bộ Phủ, anh em cấp dưỡng vẫn nấu một nồi to, đến giờ thì Bác cùng xuống ăn với anh em những bữa cơm đạm bạc, như những ngày trong kháng chiến. Anh em giúp việc định nấu riêng cho Bác, nhưng Bác nhất định không đồng ý. Khi đi công tác, kể cả những khi đi thăm ngày Tết… bao giờ Bác cũng bảo chuẩn bị sẵn bữa ăn mang theo. Sau gần 50 năm mới có dịp về thăm quê lần đầu tiên, tháng 6-1957, trong bữa cơm tỉnh Nghệ An mời Bác có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng dự. Mâm cơm chỉ có mấy món ăn đơn giản, nhưng mỗi món đều được dọn làm 2 bát. Thấy vậy, Bác liền cất bớt, chỉ để mỗi món một bát. Bác bảo: “Ăn hết thì lấy thêm, không ăn hết để người khác ăn, chớ để người ta ăn thừa của mình!. Bữa cơm đó, một nửa số thức ăn vẫn còn nguyên. Riêng có món cà mắm chỉ có một bát nhưng mọi người ăn chưa hết, Bác gắp bỏ vào bát bảo mọi người phải ăn hết để khỏi lãng phí.
Lần thứ hai Bác về thăm quê năm 1961, bữa cơm chiều Bác dặn cả Chủ tịch và Bí thư của tỉnh là Võ Thúc Đồng và Nguyễn Sĩ Quế cùng đến ăn cơm với Bác cho vui, nhưng nhớ là phải mang phần cơm của mình đến. Khi vào bàn ăn, Bác lấy ra gói cơm của Bác có độn ngô và ít thịt rim mặn. Hai cán bộ tỉnh, phần cơm do nhà ăn của tỉnh chuẩn bị được nấu bằng gạo trắng, không độn; thức ăn có cá, thịt, miến… Thấy vậy, Bác hỏi: Các chú ăn như thế này à? Ông Võ Thúc Đồng trả lời: Dạ, thưa Bác. Hôm nay Bác về thăm, cơ quan mới chuẩn bị các món ăn như thế này, còn thường ngày thì không có đâu ạ! Bữa cơm hôm đó, mọi người cùng Bác ăn hết phần cơm độn ngô trước, khi dùng sang phần cơm cơ quan tỉnh mang đến thì Bác xin thôi không ăn nữa…
Tập 28: ĐỂ BÁC THUYẾT MINH CHO
Tối thứ bảy nào cũng vậy, trong Phủ Chủ tịch thường tổ chức chiếu phim tại phòng lớn. Tiếng là chiếu phim để phục vụ Bác, nhưng Bác bảo mọi người chung quanh, nhất là các cháu nhỏ, tới xem để cùng vui.
Tối ấy nghe tin có phim hay, mọi người kéo đến khá đông. Đúng giờ, Bác tới. Người ra hiệu cho mọi người ngừng vỗ tay, rồi ngồi vào ghế. Một số cháu nhỏ tíu tít lại ngồi quây quanh Bác.
Đồng chí thuyết minh phim trình bày tóm tắt nội dung phim: Hoàng tử lấy cóc.
Phim lồng tiếng Pháp, người thuyết minh chưa kịp xem trước nên khi thuyết minh thường không đạt ý. Bác không bằng lòng, Người bảo:
- Chú thuyết minh như vậy mất cả cái hay của phim đi. Chú để Bác thuyết minh cho.
- Bác nói rồi liền ra hiệu cho đồng chí thuyết minh đứng dậy, Người cầm lấy ống nói và ngồi vào ghế của đồng chí thuyết minh một cách bình thản. Bác theo dõi trên màn ảnh, lắng nghe đối thoại rồi thuyết minh. Đôi khi Bác giải thích thêm những ý trong khi chuyển cảnh mà người xem cảm thấy khó hiểu. Bác thuyết minh rõ ràng, song ngắn gọn súc tích. Tiếng Người ấm và khi diễn đạt tình tiết trong phim rất gợi cảm. Mọi người lúc đầu thấy Bác thuyết minh thì rất ngạc nhiên và thích thú. Ai nấy đều bị cuốn hút bởi hình ảnh trong phim và lời thuyết minh của Bác.
Bác đang xem bỗng quay lại, thấy đồng chí thuyết minh đang đứng tựa vào tường xem phim, Bác chỉ vào chiếc ghế Bác đã ngồi lúc ấy để trống mà nói:
- Chú này lạ thực, ghế để không sao không ngồi mà lại đứng xem!
Các cháu cũng như mọi người xem cùng bật cười và nhắc đồng chí thuyết minh ngồi vào ghế. Đồng chí thuyết minh đành sẽ sàng chuyển chiếc ghế vào sát tường ngồi xem. Bác lại tiếp tục công việc thuyết minh phim.
Màn ảnh chuyển từng cảnh: Cung điện huy hoàng của nhà vua. Hoàng tử bắn cung để chọn vợ. Mũi tên rơi xuống cạnh một con cóc. Cóc nói tiếng người, yêu cầu hoàng tử đưa mình về cung… Hoàng tử sống với vợ cóc, nhưng chàng rất buồn.
Rồi những bữa cơm ngon lành, nhà cửa được xếp dọn sạch sẽ gọn gàng ngăn nắp làm Hoàng tử nghi hoặc, theo dõi cóc… Cuối cùng cóc hiện nguyên hình là một cô gái đẹp trước mắt Hoàng tử. Hai vợ chồng sống cuộc đời tươi đẹp…
Đèn bật sáng. Như thường lệ, mọi người quay về phía Bác chờ đợi một lời, một ý của Người và cũng là để chào Bác sau buổi tối xem phim. Bác cũng đứng dậy vui vẻ hỏi:
- Phim có hay không?
- Dạ, hay lắm! - Mọi người gần như đồng thanh trả lời.
- Hay vì sao?
- Mọi người còn đang suy nghĩ câu trả lời thì Người đã giải thích:
- Phim hay vì nội dung tốt, câu chuyện khuyên mọi người: Muốn có lứa đôi hạnh phúc thì đừng quá lệ thuộc vào hình thức bề ngoài, phải thấy cái đẹp bên trong. Cái đẹp về phẩm giá. Các tài tử đóng khéo. Màu sắc đẹp, tình tiết hấp dẫn.
Bộ phim được Bác nói gọn lại mấy ý, ai nấy thêm sáng ra. Trong dòng người ra về có những ý trao đổi:
- Phim hay thật!
- Không có Bác thuyết minh thì mất hay!
Tập 29: ĐẠO ĐỨC NGƯỜI ĂN CƠM
Một chiến sĩ bảo vệ Bác - sau này được phong quân hàm cấp tướng - có lần nói rằng:
“Bác thường dạy quân dân ta cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” Bác dạy phải làm gương trước. Bác dạy phải nêu cao đạo đức cách mạng. Có cán bộ nghĩ rằng “đạo đức” cách mạng là để áp dụng trong công tác thôi. Bản thân tôi, được gần Bác thấy ngay trong khi ăn cơm Bác cũng đã dạy cho chúng tôi thế nào là “đạo đức”.
Thứ nhất, Bác không bao giờ đòi hỏi là Chủ tịch nước phải được ăn thứ này, thứ kia. Kháng chiến gian khổ đã đành là Bác sống như một người bình thường, khi lập lại hoà bình có điều kiện, Bác cũng không muốn coi mình là “vua”, có gì ngon, lạ là “cống, hiến”.
Thứ hai, món ăn của Bác rất giản dị, toàn các món dân tộc, tương, cà, cá kho… thường là chỉ 3 món, trong đó có bát canh, khá hơn là 4, 5 món thôi.
Thứ ba, Bác thường bảo chúng tôi, ăn món gì cho hết món ấy, không đụng đũa vào các món khác. Gắp món ăn cũng phải cho có ý. Cắt miếng bơ cũng phải cho vuông vức. Nhớ lần đi Khu 4, đồng chí Bí thư và Chủ tịch tỉnh Quảng Bình ăn cơm với Bác, trong mâm chỉ có một bát mắm Nghệ hơi nhiều. Bác dùng bữa xong trước, ngồi bên mâm cơm. Hai cán bộ tỉnh ăn tiếp rồi buông đũa. Bác nhìn bát mắm nói:
- Hai chú xẻ bát mắm ra, cho thêm cơm vào ăn cho hết.
Hai “quan đầu tỉnh” đành phải ăn hết, vừa no, vừa mặn… Lần khác, một cán bộ ngoại giao cao cấp người Hà Tĩnh được ăn cơm với Bác, đã gắp mấy cọng rau muống cuối cùng chấm vào bát tương ăn hết. Tưởng là đã “hoàn thành” nhiệm vụ nào ngờ Bác lại nói:
- Tương Nghệ đồng bào cho Bác, ngon lắm. Cháu cho thêm ít cơm vào bát “quẹt” cho hết…
Thứ tư, có món gì ngon không bao giờ Bác ăn một mình, Bác sẻ cho người này, người kia rồi sau cùng mới đến phần mình, thường là phần ít nhất. Ăn xong thu xếp bát đũa gọn gàng để đỡ vất vả cho người phục vụ.
Thứ năm, tôi có cảm giác là đôi khi ăn cơm có những giây phút Bác cầm đôi đũa, nâng bát cơm, Bác như tư lự về điều gì đó. Tưởng như Bác nghĩ đến đồng bào, cụ già, em bé đói rách ở đâu đâu. Tưởng như Bác nhớ lại những ngày lao động ở xứ người kiếm từng mẩu bánh để ăn, để uống, để làm cách mạng… Hay là Bác lại nhớ đến những lần tù đày không có gì ăn. Thật khó hiểu mà lại càng khó hiểu, tôi lại càng thương Bác quá, thương quá. Bây giờ vào những bữa tiệc cao lương, mỹ vị, rượu bia thức ăn bày la liệt, quái lạ tôi lại nhớ đến Bác rồi… có ăn cũng chẳng thấy ngon như khi xưa ngồi vào mâm cơm đạm bạc với Bác”.
Tập 30: NGĂN NẮP VÀ TRẬT TỰ
Hồi ở Pác Bó, dù sống ở trong hang đá hay trong một lán nhỏ, Bác Hồ vẫn giữ nếp sống ngăn nắp và trật tự. Đồ đạc, tài liệu Bác sắp xếp theo thứ tự riêng, cái nào ra cái đó, không bao giờ lẫn lộn. Sách, báo, tài liệu, Bác xếp để trên các bậc. Ấm chén, bút mực… cũng đều có quy định chỗ để hẳn hoi. Ai động đến là Bác biết. Bác có một chiếc máy chữ mang từ nước ngoài về, thường vẫn dùng để đánh tài liệu. Cứ sau mỗi buổi làm việc, Bác xếp máy chữ vào một túi riêng, còn tài liệu thì bỏ vào thùng sắt đậy cẩn thận. Chả thế mà có hôm báo động, chỉ mấy phút sau Bác đã xếp xong các thứ gọn gàng. Còn đồng chí khác thì chạy tới chạy lui, vấp cả vào nhau. Có đồng chí, thứ cần thiết thì không mang đi, thứ không cần thì lại lấy. Thấy thế, Bác nhẹ nhàng bảo:
- Gọn gàng, ngăn nắp cũng là một cách bảo mật. Khi hoạt động bí mật cũng như trong nếp sống hàng ngày của người cán bộ các chú phải thường xuyên chú ý rèn luyện.
Sau này, khi về sống ở Hà Nội, Bác vẫn giữ nếp sống gọn gàng, ngăn nắp ấy. Trên bàn làm việc của Bác dưới nhà sàn, ngày nào cũng vậy, sau giờ buổi sáng, trước lúc sang ăn cơm, Bác đều xếp tài liệu, sách vở ngay ngắn. Buổi chiều hết giờ làm việc, Bác mang tài liệu lên nhà, mỗi thứ để một nơi theo đúng chỗ quy định.
Một lần, đang lúc giữa trưa thì còi thành phố báo động có máy bay Mỹ đến. Bác bình tĩnh từ trên nhà đi xuống cầu thang. Nhìn thấy một số đồng chí bảo vệ tất tưởi chạy ra hầm, quần, áo, súng, đạn, balô không gọn gàng, Bác bảo:
- Các chú là bộ đội, phải bình tĩnh và luôn luôn sẵn sàng chiến đấu. Lúc có giặc cũng như khi không có giặc. Muốn vậy, trong cuộc sống hàng ngày các chú phải sống ngăn nắp, trật tự và gọn gàng.
Tâm Gà sưu tầm