( Anlenevn ) Bệnh loãng xương có thể diễn ra từ tuổi 30. Quá trình mất chất xương diễn ra âm thầm từ tuổi 30. Nếu không đề phòng từ lúc trẻ, người bệnh dễ bị loãng xương khi bước sang tuổi 50. Theo báo cáo của Quỹ Loãng xương Quốc tế (IOF) tại Hội nghị thường niên ASBMR tổ chức vào tháng 9, khoảng một phần ba phụ nữ và một phần năm đàn ông trên 50 tuổi dễ bị gãy xương do loãng xương. Đối với phụ nữ, nguy cơ gãy xương hông cao hơn ung thư vú, buồng trứng và tử cung cộng lại.
Cũng theo IOF, hơn 200 triệu người trên thế giới bị loãng xương. Bệnh gây ra hơn 8,9 triệu ca gãy xương mỗi năm. Cứ 3 giây lại có một người bị gãy xương do loãng xương. Giáo sư Cyrus Cooper - Chủ tịch Ủy ban Cố vấn khoa học của IOF cảnh báo, tỷ lệ tử vong trong vòng một năm ở phụ nữ gãy xương hông lên tới 20% và tỷ lệ thương tật là 50%. Khoảng 3 triệu người Anh bị loãng xương (theo Hiệp hội Loãng xương Anh); 22 triệu phụ nữ và 5,5 triệu đàn ông mắc bệnh này ở Liên minh châu Âu (theo Liên đoàn châu Âu của Hiệp hội Công nghiệp Dược phẩm EFPIA, 2013).
Tại Việt Nam, con số này khoảng 2,8 triệu người (theo Hiệp hội Loãng xương Việt Nam, 2012), có thể lên 4,5 triệu người vào năm 2020 và 11 triệu người năm 2050. Bệnh thường gặp ở phụ nữ. Có đến 13-15% phụ nữ sau mãn kinh bị loãng xương. Loãng xương diễn ra âm thầm. Người bệnh không biết mình đang mất dần chất xương cho đến khi bị gãy xương nghiêm trọng, khiến việc điều trị trở nên tốn kém. Bệnh có xu hướng trẻ hóa, tuy nhiên, nhiều người trẻ xem nhẹ việc phòng bệnh.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, mức độ loãng xương khi về già được quyết định bởi sự hấp thu canxi trong giai đoạn 20-30 tuổi. Đây là độ tuổi tích lũy xương, nên chế độ dinh dưỡng thiếu canxi sẽ khiến xương kém chắc khỏe và bền bỉ. Ngày Thế giới Phòng chống Loãng xương 20/10 đã ra đời nhằm giúp cộng đồng nâng cao ý thức phòng chống căn bệnh giấu mặt nguy hiểm này. Để phòng chống loãng xương, các chuyên gia khuyến khích người trẻ nên xây dựng lối sống năng vận động và chế độ dinh dưỡng hợp lý ngay từ tuổi 30. Nên tăng cường vận động, đi bộ, đạp xe, tập yoga hay thể dục 15-30 phút mỗi ngày; đồng thời nạp đủ canxi và vitamin D.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, phụ nữ từ 30 trở lên cần 1.000-1.200mg canxi và 400IU vitamin D3 mỗi ngày. Nên bổ sung các thực phẩm có lợi cho xương như bơ, pho mát, cá, ngũ cốc, hải sản, xương và thịt, các loại hạt đậu, trái cây, rau củ (súp lơ, râu chân vịt, nấm... ), sữa và chế phẩm từ sữa... Việc uống đều đặn sữa có hàm lượng canxi cao và chứa vitamin D tăng cường khả năng hấp thụ canxi cho cơ thể, cũng giúp hệ xương chắc khỏe.
Nguồn Đồng An
*** Tiêu điểm : giá sữa | sua canxi | đau nhức xương khớp | sữa cho người già | thiếu canxi | đau xương khớp | đau chân