( Tâm Gà www.c10mt.com ) Chào tất cả các bạn, đặc biệt là những bạn quan tâm đến du học và săn học bổng. Theo tôi, việc săn học bổng và nộp hồ sơ theo học ở nước ngoài có mối quan hệ mật thiết với nhau, và gần như bạn phải tiến hành đồng thời cả 2 quá trình trên. Đây là một cuộc chiến dai dẳng, đòi hỏi sự nỗ lực tối đa của mỗi cá nhân. Nếu không kiên trì và nhẫn nại, bạn không nên theo đuổi việc săn học bổng vì thời gian cần thiết để săn học bổng thường tối thiểu là 2 năm.
Kinh nghiệm săn học bổng du học toàn phần bậc sau đại học |
Trong quãng thời gian đó, nhiều lúc bạn cảm thấy chán nản, lo âu, hồi hộp, thậm chí muốn buông xuôi hay bỏ cuộc. Vì vậy trước khi bắt đầu, bạn phải xác định đây là cuộc đua marathon và không có chỗ dành cho các vận động viên nghiệp dư.
Cá nhân tôi cũng vậy, tôi mất hơn 2 năm để tìm học bổng và trường theo học, và thật may mắn, tôi có được 2 học bổng khác nhau, một là học bổng của Chính phủ Việt Nam (Đề án 322) để theo học ở Pháp và một là học bổng của Chính phủ Nhật (học bổng Monbusho hay còn gọi là học bổng MEXT) để theo học tại trường Đại học Tổng hợp Tokyo.
Vì vậy những kinh nghiệm của tôi sẽ đặc biệt liên hệ đến 2 hình thức học bổng này, ngoài ra còn có một số kinh nghiệm khác tôi biết được trong quá trình săn học bổng. Tôi hi vọng các bạn sẽ tìm được cho mình con đường đúng đắn trong quá trình săn học bổng và may mắn.
I. Khởi động kế hoạch săn học bổng du học toàn phần
Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình săn học bổng và là giai đoạn quan trọng nhất. Trong giai đoạn này, bạn cần trả lời một cách trung thực những câu hỏi như:
1. Mục đích kiếm học bổng là gì?2. Mình có thật sự muốn tìm học bổng không?
3. Cơ hội dành cho mình là bao nhiêu?
4. Nên bắt đầu từ đâu?
5. …
Tuy đây chỉ là những câu hỏi sơ bộ, nhưng hết sức cần thiết, vì bạn phải xác định rõ mục tiêu, mong muốn và khả năng của mình rồi mới bắt đầu công việc được. Khi biết tin tôi được học bổng, có nhiều bạn muốn tôi chia sẻ kinh nghiệm cá nhân và chỉ cho họ cách để đạt được học bổng nào đó.
Có nhiều người khi hỏi câu này thì vẫn chưa xác định được mục đích kiếm học bổng của họ là gì và họ có thực sự muốn tìm học bổng hay không. Có người khi nghe tôi hỏi là có chấp nhận hi sinh bớt công việc hiện tại để dành sức cho việc săn học bổng không thì có vẻ lưỡng lự, chỉ điều đó thôi cũng đủ chứng tỏ họ chưa sẵn sàng cho việc săn học bổng.
Bởi nếu đã sẵn sàng thì họ sẽ khẳng định chứ không còn lưỡng lự nữa. Do đó việc đầu tiên bạn cần phải làm là xác định lại tư tưởng cho mình, chỉ sau khi bạn đã hoàn toàn sẵn sàng thì cơ hội mới thực sự tìm đến bạn.
Tôi xin lấy ví dụ từ chính bản thân mình, năm đầu tiên xin học bổng để đi du học ở Pháp, tôi nghĩ nó sẽ đến với mình vì lúc đó tôi nghĩ mình là người xứng đáng (sau khi đã xem xét các đối thủ, tiêu chí và quy trình tuyển chọn) được học bổng mà không hề nghĩ mình sẽ làm gì để cụ thể hoá nó cả.
Vì vậy hồ sơ của tôi hết sức sơ sài và không có gì nổi bật, thậm chí còn có cả lỗi chính tả. Sau này khi biết tin mình trượt, tôi đã rút ra được bài học thấm thía, đó là không bao giờ chủ quan và làm việc với tinh thần như vậy nữa.
Nếu bạn làm việc với tinh thần là cầu may hay chỉ nghĩ được thì tốt, không được cũng không sao thì tôi nghĩ cơ hội của bạn đã giảm đi đáng kể, thậm chí không muốn nói là rất thấp. Do vậy giai đoạn này có thể tóm tắt bằng những bước như sau: Xác định mục tiêu -> Lập kế hoạch -> Bắt tay vào hành động
II. Kiếm học bổng toàn phần dễ hay khó
Sau khi bạn thực sự quyết tâm 100% cho việc săn học bổng thì tôi có thể khẳng định rằng, việc kiếm học bổng không dễ, nhưng không quá khó. Tuy nhiên, đối với các học bổng danh giá thì ngoài các yếu tố quyết tâm, tài năng bạn còn phải có một chút may mắn nữa vì ở đó cuộc đua sẽ hết sức khốc liệt.
Tại sao tôi lại nghĩ nó không quá khó, đơn giản vì có rất nhiều học bổng tính cạnh tranh của nó không thật sự cao, nhiều khi chỉ vì bạn không để ý hoặc không quan tâm nên đã bỏ qua. Cũng có rất nhiều học bổng chỉ được truyền nhau qua bạn bè, anh em mà không hề có thông báo chính thức (thông báo ở Việt Nam hay trên Internet).
Do đó khi bạn quan tâm đến học bổng, bạn sẽ tìm đủ cách để xem ở đâu có thể xin được học bổng, rõ ràng khi đó cơ hội của bạn sẽ tăng lên đáng kể. Trên thực tế, có rất nhiều người có đủ khả năng nhưng họ lại không tự tin có thể kiếm được học bổng hoặc nghĩ rằng học bổng không dành cho họ, như vậy khả năng được học bổng của họ là rất thấp dù họ là người có năng lực.
Cách đây mấy năm, khi học bổng của Liên minh Châu âu (Học bổng Erasmus Mundus) ra đời và có chương trình cửa sổ Châu á dành riêng cho các học sinh khu vực Châu á muốn sang học tập tại Châu âu, lúc đó rất ít sinh viên Việt Nam được biết, chủ yếu là du học sinh Việt Nam ở Châu âu mới có tin này.
Vì vậy số lượng sinh viên Việt Nam nộp hồ sơ rất hạn chế. Nếu lúc đó bạn được biết tin này, chắc chắn cơ hội đạt học bổng của bạn cao hơn rất nhiều. Hay có rất nhiều chương trình học bổng của ngành, của bộ mà có thể rất nhiều bạn đến tận giờ bạn vẫn chưa biết, dù nó rất gần bạn.
Tôi xin lấy ví dụ: học bổng của Tổng công ty Dầu khí dành cho con em trong ngành, học bổng đi học ở Trung Quốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ưu tiên cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngay cá nhân tôi cũng vậy, trong quá trình đi tìm hiểu học bổng, tôi phát hiện ra rất nhiều học bổng mà trước đó tôi chưa từng nghĩ tới. Câu này các cụ nhà ta nói đúng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
III. Các loại học bổng du học toàn phần
Có rất nhiều dạng học bổng khác nhau, tuy nhiên tôi tạm phân loại ra như sau:
1. Học bổng chính phủ, vùng, bang
2. Học bổng của các tổ chức
3. Học bổng của các trường đại học
4. Học bổng dưới dạng nghiên cứu, trợ giảng, …
III.1 Học bổng Chính phủ :
Thường là những học bổng danh giá, có tính cạnh tranh cao (do có giám khảo là người nước ngoài và họ là người ra quyết định, giám khảo người Việt mang tính tham khảo nhiều hơn), dành cho việc theo học tại nước cấp học bổng.
Nếu có được học bổng này, bạn sẽ nhận được rất nhiều ưu đãi như: chi phí đi lại, sinh hoạt phí, tiền bảo hiểm, thủ tục visa. Ở Việt Nam, có rất nhiều học bổng như thế và thường được đại sứ quán các nước đặt ở Việt Nam quản lý, điều tiết.
Ví dụ như học bổng của chính phủ Nhật (Monbusho), học bổng của chính phủ Pháp (Evaris Galois), học bổng của chính phủ Đức (DAAD). Bạn nên vào trang web của đại sứ quán các nước tại Việt Nam để biết thêm chi tiết.
Ngoài ra để biết những học bổng chính phủ có liên kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, bạn có thể vào trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo (www.moet.gov.vn). Bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy thậm chí những nước như Mông Cổ cũng có học bổng này dành cho sinh viên Việt Nam.
Vì vậy nếu bạn thực sự quan tâm sao không thử nhỉ, biết đâu bạn lại tìm thấy cơ hội cho mình. Ngoài ra còn có học bổng của các vùng, bang dành cho sinh viên ngoại quốc. Những học bổng này thực sự rất khó biết, nếu không đi sâu tìm hiểu rất khó để biết được là nó có tồn tại hay không.
Có thể lấy ví dụ như: ở Pháp có học bổng vùng Ile de France, vùng Rhôn – Alpe … hay ở Nhật hầu như chính quyền các vùng đều có học bổng, bạn có thể tham khảo ở trang web của jasso (www.jasso.jp).
III.2 Học bổng của các tổ chức, công ty :
Thông thường đây là học bổng do các tổ chức quốc tế có mặt ở Việt Nam cung cấp. Những học bổng này thường cung cấp cho những chuyên ngành cụ thể (thường cùng ngành với công ty, tổ chức cấp học bổng), hoặc đa ngành (thường do các tổ chức phi chính phủ cấp).
Như học bổng của tổ chức AUF (agence universitaire de la francophonie) chẳng hạn dành cho tất cả các ngành và dành cho sinh viên khối pháp ngữ, hay học bổng của ngân hàng phát triển châu á ADB cung cấp cho sinh viên theo học tại một số trường được chỉ định, hoặc học bổng của công ty Panasonic thì chỉ cung cấp cho một số ngành như điện tử, tự động hoá. Nói chung học bổng này có tính cạnh tranh cao, và đảm bảo tất cả các chi phí cơ bản cho việc học ở nước ngoài.
III.3 Học bổng của các trường đại học :
Thông thường các trường đại học ở nước ngoài có quan hệ rất tốt với các cá nhân, tổ chức, công ty. Họ thường tìm cách vận động để các cá nhân, tổ chức và công ty đó cung cấp học bổng cho sinh viên nước ngoài theo học tại trường họ.
Như vậy khi bạn có ý định nộp hồ sơ xin học bổng này bạn cần tìm hiểu trang web của trường và của tổ chức tài trợ để lấy thông tin cụ thể. Một số công ty, tổ chức có thể lồng thêm vào đó các điều kiện kèm theo như ký hợp đồng cam kết làm việc cho họ sau khi ra trường, tuy nhiên không phải lúc nào cũng vậy.
Ví dụ như học bổng của Ngân hàng Phát triển Châu á ADB dành cho sinh viên theo học ở một số trường trong khu vực, chỉ yêu cầu cam kết sau khi học xong sẽ trở về cơ quan cũ mà không hề có ràng buộc phải làm việc cho họ sau khi ra trường. Thông thường để nhận được học bổng này bạn phải làm hồ sơ theo học tại trường, và nộp đơn xin học bổng qua trường.
IV.4 Học bổng dưới dạng nghiên cứu, trợ giảng…
Khác với các giáo sư Việt Nam, các giáo sư nước ngoài có vai trò rất lớn trong việc nhận ai đó vào học bởi họ có quyền và có chi phí nghiên cứu riêng, do đó nếu được sự ủng hộ của các giáo sư thì khả năng được nhận vào học và có học bổng (thông qua hình thức trợ giúp nghiên cứu RA, hoặc trợ giảng RA) sẽ cao hơn rất nhiều.
Do đó, tôi khuyến khích các bạn nên liên hệ với các giáo sư của trường nộp hồ sơ, trước là gây dựng quan hệ, sau là xác định hướng nghiên cứu và đề tài nghiên cứu. Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hồ sơ của bạn là thư giới thiệu (letter of recommendation), nếu bạn quan hệ tốt với các giáo sư thì có thể họ sẽ viết thư giới thiệu cho bạn, bạn biết đấy, nếu được giáo sư của khoa giới thiệu thì khả năng hồ sơ của bạn được chấp nhận sẽ rất lớn.
Ngoài ra việc tìm hiểu về các giáo sư trong khoa sẽ giúp bạn hiểu hơn về hướng nghiên cứu của giáo sư, từ đó chọn ra hướng nghiên cứu phù hợp với mình. Bạn đừng ngại trong việc liên lạc với các giáo sư và cũng đừng nản chí nếu một số lá thư đầu tiên không được trả lời. Đôi khi bạn phải kiên nhẫn vì nhiều giáo sư họ rất bận, nên có thể họ bỏ qua thư của bạn.
Trong tình huống này, bạn nên viết thư hỏi tiếp, tất nhiên là cùng nội dung nhưng cách hỏi phải khác đi, giọng văn khác đi (các bạn nên có một quyển tuyển tập các bài viết thư mẫu, rất tiện dụng trong những tình huống như thế này).
Các giáo sư khi đã thân quen rồi thì việc trả lời giúp bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, có thể họ còn tư vấn cho bạn trong một số lĩnh vực nhất định, thậm chí can thiệp cả vào quyết định có tiếp nhận bạn vào trường hay không.
Tôi có thể khẳng định, những du học sinh đi theo học bổng của VEF, nếu không có các thư giới thiệu và giúp đỡ của các giáo sư Hoa Kỳ sẽ rất khó được nhận vào các trường top ở Hoa Kỳ. Tất nhiên có bạn có được học bổng mà không đi qua con đường này, nhưng nó mở rộng cơ hội của bạn thì tại sao bạn lại không thử nhỉ. Ngoài những học bổng nói trên, còn có các dạng học bổng khác, tuy nhiên đây là những dạng học bổng cơ bản, dễ nắm bắt thông tin và các bạn có thể tiếp cận được.
IV. Cách thức săn học bổng và nộp hồ xin học
IV.1. Chủ động tìm kiếm thông tin
Bạn là người đi tìm học bổng, do đó phải hết sức chủ động trong việc tìm kiếm và tự giải đáp các câu hỏi trong khi săn học bổng. Bạn đừng hi vọng tìm được tất cả các câu trả lời thông qua người khác, cũng đừng hi vọng khi đưa lên diễn đàn một câu hỏi chung chung mà có được câu trả lời xác đáng.
Tôi thấy có rất nhiều bạn đặt ra câu hỏi rất chung chung trên một số diễn đàn du học như làm thế nào để tìm được học bổng? Học ở đâu thì tốt? Chi phí học tập ở một nước nào đó là bao nhiêu? Nếu thực sự bạn muốn tìm học bổng thì nên tự tìm hiểu thông tin và trả lời các câu hỏi đó, đừng hi vọng có câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi này thông qua người khác.
Vậy bạn sẽ tìm kiếm thông tin ở đâu? Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là trang web của trường vì nó cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng nhất, kế đó là các diễn đàn du học và các trang web về giáo dục.
Thông thường các quốc gia và các trường đại học luôn muốn quảng bá hình ảnh giáo dục của nước và trường mình nên họ sẽ xây dựng các trang web về giáo dục nước đó hoặc về trường đó. Ở đó, bạn có thể tìm được rất nhiều thông tin như các ngành học, xếp hạng các trường, các kỳ thi và các chứng chỉ cần có, những yêu cầu tối thiểu.
Nếu bạn cũng chưa biết bắt đầu từ đâu nữa thì tốt nhất các bạn nên đến đại sứ quán nước bạn dự định đi học để tìm hiểu thông tin. Bạn hãy yên tâm, thông tin ở đó rất nhiều và hoàn toàn miễn phí, lại còn được chỉ dẫn tận tình.
Ngoài ra, các triển lãm du học cũng là một kênh thông tin rất bổ ích, ở đó bạn có thể có cơ hội gặp gỡ trực tiếp với đại diện trường định nộp hồ sơ, hiểu biết về nền giáo dục một nước nào đó, được thể hiện và thực hành ngoại ngữ …
Tôi cũng không nhớ nổi là mình đã đi bao nhiêu triển lãm du học rồi, có những triển lãm rất bổ ích (do các đại sứ quán hoặc cơ quan giáo dục nước ngoài tổ chức), có những triển lãm du học thực sự vô bổ (do các công ty tư nhân của Việt nam tổ chức).
Dù bạn tìm hiểu thông tin theo cách nào thì cũng luôn nhớ: tự tìm hiểu và trả lời những câu hỏi thắc của mình trước, trong trường hợp chưa biết có thể đặt câu hỏi nhưng phải là những câu hỏi cụ thể, tránh câu hỏi chung chung như tôi đã nêu ở trên.
IV.2. Tự đánh giá khả năng của bạn
Bạn phải tự xác định khả năng của mình thông qua tiêu chí của các tổ chức cấp học bổng để tìm được học bổng phù hợp. Nếu không, có thể bạn sẽ nộp hồ sơ vào những học bổng có yêu cầu cao hơn khả năng của bạn, dẫn đến giảm cơ hội nhận được học bổng.
Còn nếu như bạn nộp hồ sơ xin học bổng vào những nơi mà yêu cầu thấp hơn so với khả năng của bạn thì có thể nó sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của bạn. Do đó tự đánh giá khả năng của bạn sẽ là rất quan trọng.
Tuy nhiên, đánh giá khả năng của mình như thế nào thì lại rất khó (không chỉ là năng lực bản thân mà còn là khả năng nhận được học bổng), vì nó tuỳ thuộc vào tiêu chí đặt ra của các tổ chức cấp học bổng, có thể đối với tổ chức này bạn trở nên yếu thế nhưng với tổ chức khác bạn lại trở nên mạnh hơn rất nhiều.
Do đó việc đánh giá khả năng của bạn tuỳ thuộc vào tiêu chí của tổ chức bạn dự định nộp hồ sơ. Điều này dẫn đến việc tìm hiểu học bổng của tổ chức cần nộp hồ sơ là hết sức cần thiết. Chẳng hạn, nếu bạn dự định thi học bổng 322 (Học bổng của Chính phủ Việt Nam) thì bạn phải là công chức nhà nước, nếu không, dù có giỏi đến mấy bạn cũng không thể có được học bổng này.
Khi thi học bổng 322, bạn cần đánh giá đối thủ chính của mình là các giảng viên đại học (đặc biệt giáo viên của trường được ủy quyền tổ chức thi tuyển), các công chức làm việc trong viện nghiên cứu. Trong trường hợp này, đối thủ của bạn rõ ràng dễ xác định vì làm cùng ngành với mình, đặc biệt nếu bạn là cựu sinh viên của trường tổ chức thi.
Ngược lại, học bổng của VEF chẳng hạn, có thể một vài ngành mới có một chỉ tiêu chung. Khi đó bạn phải chiến đấu không những với người cùng ngành mà còn người ngành khác, vì thế xác định đối thủ và khả năng đạt học bổng của mình sẽ khó hơn nhiều.
V. Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Đây là bước rất quan trọng, nó khẳng định thành quả công việc của bạn, nếu bạn tìm hiểu học bổng mà không làm hồ sơ thì coi như thành quả lao động của bạn chưa có.
V.1 Thời gian chuẩn bị:
Theo tôi, thông thường là 2 năm (tính từ ngày chuẩn bị đến ngày lên đường đi học). Năm đầu tiên bạn chuẩn bị ngôn ngữ (thi một số chứng chỉ cần thiết như TOEFL, GRE … ) và chuyên môn (đọc tài liệu để có ý tưởng viết SOP và research proposal).
Năm thứ 2 bạn chính thức làm hồ sơ và sau khi có kết quả chính thức bạn sẽ làm các thủ tục tiếp theo. Thường các trường nước ngoài nhận sinh viên quốc tế vào tháng 9 hàng năm. Nếu bạn nộp hồ sơ xin học tháng 9 năm nay thì thường là tháng 12 năm trước hoặc tháng 1 là hết hạn nộp hồ sơ, do đó chuẩn bị hồ sơ từ tháng 9 năm trước là hợp lý.
Tôi có thể nêu một kế hoạch sơ bộ thế này:
1. Chuẩn bị thi ngoại ngữ : 6 – 12 tháng
2. Đọc tài liệu chuyên ngành (để có ý tưởng viết SOP và đề cương nghiên cứu), tìm hiểu trường, tổ chức cần nộp hồ sơ, cách thức xin học bổng: 6 tháng
3. Chuẩn bị hồ sơ: viết SOP, xin LOR, bảng điểm, hoàn thành các hồ sơ theo yêu cầu: 3-6 tháng.
4. Chờ đợi kết quả, liên hệ tìm hiểu thêm về trường mình nộp hồ sơ, tình hình hồ sơ: 1-3 tháng
5. Làm thủ tục đi học: 3 tháng
Như vậy quãng thời gian 2 năm theo tôi là khá hợp lý.
V.2. Trình tự và những chú ý khi làm hồ sơ :
Tôi có thể nêu một trình tự cơ bản như sau:
1. Xác định chuyên ngành và trường cần nộp hồ sơ
2. Hoàn thành hồ sơ
3. Kiểm tra hồ sơ
4. Gửi hồ sơ
5. Theo dõi hồ sơ sau khi gửi
Trong quá trình này bạn nên lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, xác định những chuyên ngành và trường định nộp hồ sơ, sau đó sử dụng bảng xếp hạng các trường đại học theo chuyên ngành để biết nên nộp hồ sơ vào trường nào. Tránh việc chỉ nộp hồ sơ vào những trường mà bạn nghĩ phù hợp với khả năng của mình.
Ví dụ, nếu bạn nghĩ mình thể vào được những trường có rank 50-100 thì bạn nên nộp một vài hồ sơ vào những trường trong top 50, một vài hồ sơ vào những trường rank 50-100, vài hồ sơ vào những trường rank 100-200, như vậy sẽ an toàn hơn, vì biết đâu bạn lại được nhận vào trường tốt hơn mong đợi hoặc trong trường hợp không có trường nào mà bạn ưng ý tiếp nhận thì bạn vẫn có cơ hội ở những trường có rank thấp hơn.
Thứ hai, sau khi xác định được những trường cần nộp hồ sơ thì bạn bắt đầu làm hồ sơ. Một bộ hồ sơ sau đại học thường có bảng điểm, bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, các chứng chỉ yêu cầu khác như GRE, GMAT, … , thư giới thiệu (LOR), đề cương nghiên cứu (research proposal) hoặc định hướng nghiên cứu (SOP), bản khai của trường bạn dự định nộp hồ sơ và hồ sơ xin học bổng (nếu bạn muốn xin học bổng).
Trong số những giấy tờ nói trên, một số bạn cho rằng bảng điểm, bằng, chứng chỉ ngoại ngữ là quan trọng nhất, tuy nhiên theo tôi, LOR và SOP hoặc Research Proposal là quan trọng nhất vì nó thể hiện cái tôi của bạn lớn nhất.
Thường bạn sẽ đăng ký nhiều trường, do đó bạn cần lập ra một cái bảng, trên đó chia thành nhiều cột, mỗi cột thể hiện một số thông tin cần thiết như deadline, yêu cầu cơ bản, những thủ tục đã hoàn thành, những thủ tục còn thiếu gì. Bảng này nên dán ở nơi dễ nhìn, như vậy bạn có thể kiểm soát những việc mình làm, tránh nhầm lẫn không cần thiết.
Ngoài ra, bạn cũng nên xác định cho mình trường nào là trường bạn mong muốn nhất để tập trung sức lực cho nó. Bạn nên làm hồ sơ trường đó trước tiên, và xem đó như form chuẩn cho các trường sau. Tránh việc đầu tư dàn trải, làm hồ sơ trường nào cũng như nhau.
Thứ ba, hồ sơ của bạn phải làm hết sức cẩn thận, tránh sai sót, và phải được nhiều người đọc và cho ý kiến trước khi gửi đi. Tránh việc chỉ có bạn là người duy nhất đọc hồ sơ trước khi gửi đi vì như thế sai sót là khó tránh khỏi.
Bạn có thể hình dung như thế này: đầu tiên hồ sơ của bạn sẽ được gửi đến thư ký, thư ký sẽ đọc hồ sơ của bạn, và loại đi những hồ sơ không đạt tiêu chuẩn. Sau bước này hồ sơ của bạn có thể được gửi đến người phụ trách chuyên ngành (thường là các trợ lý cho các giáo sư) xem xét để loại bớt và gửi những hồ sơ xứng đáng cho các giáo sư xem.
Tiếp đến, các giáo sư sẽ xem xét hồ sơ, nếu họ chấp nhận thì coi như bạn có đến 90% cơ hội rồi, sau đó hội đồng tuyển sinh sẽ xem xét và ra quyết định chính thức. Nếu bạn xin học bổng thì tổ chức cấp học bổng sẽ xem xét thêm lần nữa để đưa ra kết quả cuối cùng.
Như vậy, qua rất nhiều vòng xét tuyển, hồ sơ của bạn sẽ khó được chấp nhận nếu có sai sót. Hồ sơ của tôi cũng vậy, trước khi gửi đi, được khoảng 10 người đọc và cho ý kiến, trong đó có 2 giáo viên dạy tiếng anh, 2 người cùng chuyên ngành, 2 thầy giáo viết LOR và một số bạn bè tôi đọc. Qua từng người, tôi dần hoàn thiện hồ sơ của mình và tránh được các sai lầm không đáng có.
Thứ tư, hồ sơ của bạn phải thể hiện được cái tôi của bạn, nêu bật được những ưu thế của bạn, và tại sao bạn xứng đáng được nhận học bổng. Hồ sơ của bạn là hình ảnh của bạn trước hội đồng tuyển sinh, vì thế phải có cá tính và phải nhận mạnh, “bạn là người xứng đáng được học bổng vì bạn là người phù hợp với nó chứ không phải vì bạn là người giỏi nên họ phải chọn bạn”.
Đây là điều mà tôi rất tâm đắc. Như tôi đã nói ở trên, trong hồ sơ quan trọng nhất là LOR, SOP, Research Proposal vì đây là những thứ trong hồ sơ mà bạn dễ cải thiện nhất và nêu được bạn là ai, bạn cần gì (SOP) và bạn được người khác đánh giá như thế nào (LOR).
Để có một thư giới thiệu tốt (LOR), bạn nên xem giáo sư nào có thể viết thư giới thiệu cho mình, giáo sư nào có thể viết tốt về mình (positive), khi giáo sư viết, bạn nên cho họ xem toàn bộ hồ sơ của bạn để họ có cái nhìn toàn cảnh về nơi bạn định nộp hồ sơ và đặc biệt nên nhờ các giáo sư viết cái gì đó thật cụ thể, đừng có chung chung.
Ví dụ như họ viết bạn đã cùng họ làm gì, qua đó họ nhận ra những ưu điểm của bạn sẽ tốt hơn là chỉ viết bạn là một sinh viên giỏi, cần cù, … Tôi lấy ra đây một lời khuyên của trường University of California, Berkeley dành cho những thí sinh có ý định nộp hồ sơ vào trường họ để các bạn rút ra kinh nghiệm “Demonstrate everything by example, don’t say directly that you are a persistent person, desmontrate it”.
SOP cũng vậy, bạn nên thể hiện mình qua các ví dụ cụ thể để cho SOP là sản phẩm của riêng bạn chứ không phải ai khác. Đừng copy ý tưởng của người khác, vì như thế SOP của bạn sẽ trở nên thiếu chặt chẽ và lủng củng. Về điểm Toefl, GRE … và điểm GPA, người Việt mình không có thế mạnh lắm, đặc biệt so với các bạn ở Trung Quốc và Hàn quốc.
Vậy làm thế nào để hồ sơ của bạn trở nên ấn tượng và có cá tính? Trước hết bạn hãy lên danh sách những tiêu chí mà theo bạn hội đồng tuyển sinh sẽ dựa vào đó để xét, sau đó bạn tự đánh giá bản thân mình theo tiêu chí đó, xem những tiêu chí nào mình có thể cải thiện được, tiêu chí nào không.
Tôi lấy ra đây ví dụ phân tích của một bạn ở Trung Quốc đã nhận được học bổng đi du học ở Mỹ để các bạn có cái nhìn rõ hơn về vấn đề tôi vừa nêu. Sau khi phân tích bạn ấy đã đưa ra các tiêu chí và tự đánh giá như sau:
1. Undergraduate institution (probably unheard of by any of the school I’am applying to)
2. Undergraduate GPA (overall good, but shaky in some specific courses)
3. Recommendation letter (will be written by my professor and hopefully positive)
4. Background and publications in my major (weak and no time for any publications)
5. GRE (unknown)
6. Personal Statement (unknown)
Như vậy, theo bạn đó, rất khó cải thiện 4 tiêu chí đầu tiên, chỉ có 2 tiêu chí sau là có thể cải thiện được hình ảnh của bạn đó trong con mắt hội đồng xét tuyển và bạn đó đã làm theo đúng chiến thuật đề ra.
Qua ví dụ thực tế trên, tôi hi vọng các bạn tìm ra được cho riêng mình một chiến thuật hợp lý để cải thiện hình ảnh các bạn trong con mắt của hội đồng xét tuyển, bởi vì chỉ có bạn mới hiểu rõ bạn nhất, và cũng chỉ có bạn mới biết thể hiện cái tôi của mình hiệu quả nhất, qua đó nâng cao khả năng được tiếp nhận vào học và được học bổng của mình.
Thứ năm, gửi hồ sơ. Bạn nên tính toán để gửi hồ sơ, sao cho hồ sơ đến trường trước deadline sớm hơn khoảng 2 tuần. Vì có thể có một số giấy tờ của bạn bị thất lạc (điểm TOEFL, GRE, rất dễ bị thất lạc hoặc gửi muộn), hoặc một số giấy tờ bạn gửi đi không đạt yêu cầu, sẽ phải gửi lại.
Nếu bạn gửi sớm thì bạn có thể gửi thư thường như thế sẽ đỡ tốn kém hơn so với gửi thư nhanh (gửi DHL, EMS). Bạn biết đấy, một bộ hồ sơ gửi đi Nhật nếu gửi thư thường có khi chỉ mất 50 ngàn, nếu gửi nhanh có khi phải mất 300 ngàn. Nếu bạn gửi nhiều hồ sơ thì rõ ràng chi phí này cần phải được cân nhắc.
Thứ sáu, thường xuyên theo dõi tình trạng hồ sơ sau khi hồ sơ đã gửi đi, không nên chỉ ngồi chờ đợi kết quả. Tôi kể ra đây những kinh nghiệm của mình với hi vọng các bạn nhận ra được vai trò quan trọng của việc liên lạc và theo dõi hồ sơ sau khi gửi đi.
Thành thật mà nói, đây là quãng thời gian khó chịu, căng thẳng và hồi hộp nhất mà tôi từng trải qua. Tôi vào check email từng ngày, bạn có thể tưởng tượng được là ngày 16/12 tôi nộp hồ sơ (deadline là 24/12), ngày 26/1 năm sau tôi được trường đại học Tổng hợp Tokyo báo là mình vào danh sách shortlist, và phải hoàn thành các thủ tục tiếp theo để gửi hồ sơ làm thủ tục xin học bổng Monbusho (họ cho thời gian có 14 ngày) trong đó gồm cả làm hồ sơ, liên hệ với giáo sư, … (đúng vào dịp tết âm lịch nhà mình).
Vì thế tôi phải co giò 2 chân 4 cẳng mà chạy, xin dấu cũng vào dịp tết. Sau đó tôi lại đợi từ 16/2 đến 1/7 mới có kết quả chính thức được học bổng. Đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn cứ thấy ớn, trong suốt hơn 4 tháng, ngày nào tôi cũng checkmail để xem hồ sơ đến đâu rồi, thỉnh thoảng lại còn liên hệ với giáo sư.
Như vậy bạn có thể thấy, nếu tôi không checkmail và liên hệ với các giáo sư vào dịp tết đó có lẽ tôi đã bỏ lỡ cơ hội có được học bổng Monbusho. Đối với nhiều bạn đã từng được học bổng đi Mỹ, họ cũng chỉ ra rằng liên hệ với các giáo sư trước và sau khi nộp hồ là điều hết cần thiết.
Bạn nên nhớ các giáo sư có thể cho bạn biết rất nhiều thông tin nóng hổi và tư vấn cho bạn. Một số giáo sư còn là cầu nối giữa bạn với hội đồng tuyển sinh, thậm chí họ có thể can thiệp đến kết quả của hội đồng xét tuyển.
Vì vậy bạn nên chủ động liên hệ với các giáo sư, đừng nản chí nếu những lần đầu họ từ chối trả lời. Ban đầu tôi cũng rất ngại phải liên hệ với các giáo sư, vì cũng không biết viết như thế nào, viết có đúng văn phong, chính tả và ngữ pháp không, nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc nên phải viết, sau rồi thấy viết cũng đơn giản và trở nên bình thường.
Bây giờ nhìn lại những lá thư đầu tôi thấy sao hồi đó mình viết ngô nghê đến vậy (viết cho giáo sư mà cuối thư vẫn viết best regard). Còn về sức mạnh của nó, tôi lấy ra đây ví dụ của mình để các bạn thấy được sức mạnh của những lá thư đó.
Khi tôi đăng ký đi học ở Pháp, trường Paris 12, hồ sơ online của tôi thiếu thông tin, nên bị loại ngay từ vòng xét tuyển online, lúc đó tôi rất bất ngờ vì cứ nghĩ là ổn thoả rồi. Thế rồi tôi nhờ bạn tôi học ở trường bên đó cầm hồ sơ của mình gặp trực tiếp giáo sư phụ trách.
Sau khi xem xong hồ sơ, giáo sư nói là ok, nhưng vì họ không hiểu tại sao lý lịch công tác của tôi có gián đoạn (đáng lẽ viết từ năm … đến nay: làm gì thì theo thói quen tôi viết là năm … : làm gì), sau khi nghe bạn tôi giải thích giáo sư mới hiểu.
Tuy nhiên vì đây là trường hợp đặc biệt nên giáo sư yêu cầu tôi nộp thêm chứng chỉ ngoại ngữ (bước nộp hồ sơ online không cần nộp chứng chỉ ngoại ngữ, qua bước online mới nộp hồ sơ chính thức đến sau) và sẽ thao khảo thêm ý kiến của người đã từng học ở trường tôi hiện đang học bên đó.
Lúc đó, ngoại ngữ tôi đã thi rồi, điểm không cao lắm và nếu thi lại thì cũng không kịp nữa nên tôi đành viết một lá thư cho giáo sư phụ trách, và nói rõ là trước khi đi thi tôi chỉ có ít thời gian học nên kết quả không được như mong muốn, nay tôi đang học lớp ngoại ngữ tăng cường và trình độ ngoại ngữ của tôi giờ đã vượt xa lúc đi thi nên tôi tự tin mình theo học được.
Nếu ông cần kiểm chứng tôi sẽ gọi điện cho ông, sau đó tôi viết thêm một lá thư nhờ bạn tôi liên hệ với anh bạn mà giáo sư định thao khảo ý kiến. Kết quả như bạn thấy đấy, chỉ sau một tuần, tôi nhận được thư chấp nhận của trường, thậm chí không cần gửi thêm hồ sơ đợt sau (hồ sơ chính thức). Tôi đã đảo ngược thế cờ chỉ trong có 1 tuần và cũng chẳng tốn mấy tiền cả. Bạn thấy đấy, nếu không chủ động thì có thể bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội của chính mình.
VI. Kinh nghiệm thi học bổng ngân sách nhà nước và học bổng chính phủ Nhật
VI.1. Học bổng ngân sách nhà nước (học bổng theo đề án 322)
Hằng năm, chính phủ Việt Nam dành khoảng 400 suất học bổng để đào tạo cán bộ, công chức tại các cơ sở nước ngoài. Chi tiết về học bổng này có thể tham khảo tại trang web www.vosp.org, tôi xin tóm tắt như sau, chỉ có cán bộ, công chức Nhà nước mới được thi học bổng này, ngành tuyển sinh rất đa dạng và bạn được chu cấp toàn bộ các chi phí cơ bản khi đi học ở nước ngoài như tiền vé máy bay đi về, tiền sinh hoạt phí, tiền học phí …
Học bổng này ưu tiên đào tạo bậc sau đại học và được Bộ Giáo dục và Đào tạo uỷ quyền cho các cơ sở đào tạo trong nước tuyển chọn. Sau khi được các trường uỷ quyền tuyển chọn thông qua thi tuyển, trường sẽ gửi danh sách đề nghị trúng tuyển lên Ban điều hành Đề án 322, ban này sẽ là người ra quyết định cuối cùng. Sau đó các bạn có thể làm các thủ tục đăng ký đi học ở nước ngoài (lúc này mới thực sự tìm trường ở nước ngoài).
Kỳ thi tuyển sinh diễn ra cùng với kỳ thi tuyển sinh sau đại học tại các trường được uỷ quyền. Trước tôi thi cao học nên không rõ đề thi nghiên cứu sinh có khác với đề thi trong nước không nhưng đề thi cao học thì giống với đề thi cao học trong nước, chỉ khác mỗi môn thi ngoại ngữ là được tổ chức riêng. Vì thế, bạn có thể tin là đề thi không quá khó.
Tuy nhiên, kỳ thi này do các trường trong nước tuyển chọn, nên các giáo viên của cơ sở tuyển chọn có nhiều ưu thế hơn hẳn (truyền thống người Việt Nam ta mà). Theo thống kê như tôi được biết, trong số những người trúng tuyển thì cán bộ và giáo viên của trường được uỷ quyền hầu như lúc nào cũng chiếm đa số.
Vì thế khi tham dự kỳ thi này các bạn cần xác định đúng đối thủ thực sự của mình chính là cán bộ và giáo viên của trường được uỷ quyền. Ngoài ra, những đối thủ đáng chú ý khác chính là giảng viên các trường đại học. Họ là những người làm cùng chuyên ngành, nếu tập trung đúng sức lực, họ sẽ trở thành đối thủ thực sự đáng gờm.
Vì vậy, nếu bạn không phải là giảng viên, bạn cần phải nhập cuộc sớm hơn họ, như thế mới hi vọng đạt được mục tiêu của mình. Bản thân tôi cũng vậy, khi tham dự cuộc thi này, tôi đầu tư hơn 6 tháng chỉ để học các môn như toán và môn chuyên ngành (mặc dù đây là hai môn thế mạnh của tôi), vì tôi biết, mình cần phải cố gắng đạt điểm một cách tối đa mới hi vọng có thể vượt qua được các đối thủ chính.
Tôi lấy ví dụ cụ thể như sau, nếu bạn thi chuyên ngành điện tử ở trường đại học Bách khoa Hà Nội thì chắc chắn các giảng viên trẻ ở bộ môn điện tử trường đại học Bách khoa Hà Nội sẽ là người có nhiều ưu thế nhất, tiếp đến là các giảng viên bộ môn điện tử ở các trường có chuyên ngành này. Qua ví dụ trên chắc bạn đã hiểu được ý tôi muốn nói.
Tuy vậy, nếu chuẩn bị kỹ, bạn hoàn toàn có thể yên tâm và vững tin. Lợi thế của bạn chính là đề thi dễ, nếu không sai sót trong làm bài thì bạn hoàn toàn có cơ hội. Một điểm cần chú ý nữa là, vì trường trong nước tuyển chọn sơ bộ nên bạn không cần quan tâm đến những thứ như SOP và LOR, chỉ khi được chọn đi học nước ngoài và nộp hồ sơ vào trường ở nước ngoài bạn mới cần quan tâm đến chúng.
Ngoài ra, để tập trung toàn bộ sức lực chiến đấu trong giai đoạn ôn thi chuyên ngành, bạn nên có chứng chỉ ngoại ngữ trước khi đi thi (đi Mỹ, Anh, Úc, Canada: toefl 550 hoặc tương đương, đi các nước khác: toefl 500 hoặc tương đương) vì như thế bạn sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ. Đừng để ngoại ngữ trở thành rào cản của bạn. Các bạn có thể sử dụng Toefl nội bộ cũng được miễn là còn giá trị. Qua những phân tích trên, bạn có thể thấy, kỳ thi này không khó, vậy tại sao các bạn không thử nhỉ ?
VI.2. Học bổng Chính phủ Nhật (Học bổng Monbusho hay còn gọi là học bổng Mext)
Hằng năm, chính phủ Nhật đều dành một số lượng lớn học bổng cho các sinh viên quốc tế đến học tại Nhật Bản, trong đó có sinh viên Việt Nam. Để tiếp cận học bổng này, có 2 cách: thứ nhất là thông qua Đại sứ quán Nhật và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, thứ hai là thông qua các trường đại học ở Nhật.
Chi tiết các bạn có thể tham khảo tại trang web www.jasso.jp hoặc www.vysa.jp. Trước tôi đi theo con đường thứ 2 nên những kinh nghiệm của tôi ở đây thuần tuý theo con đường này. Để xin học bổng Monbusho theo diện đại học tiến cử (University Recommendation) bạn cần phải nộp hồ sơ qua một trường đại học ở Nhật, sau khi được trường đó chấp thuận (bạn được vào danh sách shortlist), trường sẽ gửi danh sách đề nghị được học bổng Monbusho lên Bộ Giáo dục Nhật Bản, và bộ là người quyết định cuối cùng.
Tuy nhiên, thường là các trường có số chỉ tiêu cố định hằng năm, và họ gửi danh sách đúng bằng số chỉ tiêu mà họ có, nên nếu được trường đồng ý thì gần như chắc chắn bạn sẽ được học bổng, còn Bộ Giáo dục Nhật Bản gần như chỉ xét duyệt về mặt thủ tục.
Vì vậy để kiếm được học bổng theo con đường này, bạn cần phải chinh phục được trường ở bên Nhật. Cách thức để chinh phục được học bổng này về cơ bản giống với các kinh nghiệm mà tôi đã trình bày ở trên, ở đây tôi chỉ nhấn mạnh thêm một vài ý như sau.
Thứ nhất là về LOR, thường các bạn nhờ giáo viên của mình viết cho, tuy nhiên trong trường hợp này, nếu người viết LOR cho bạn là một cựu sinh viên của trường định nộp thì rất tốt, và phải là người hiểu rõ về bạn.
Người Nhật đánh giá cao các mối quan hệ cá nhân như thế, họ sẽ liên hệ trực tiếp đến người giới thiệu bạn để xem họ đánh giá như thế nào về bạn. Đối với họ, đây là cách đánh giá công tâm, hiệu quả (không như người Việt Nam mình, hay nể nả nhau).
Không nên nhờ những người không hiểu về chuyên ngành bạn hoặc không rõ về bạn viết thư giới thiệu, dù người đó rất giỏi hoặc có chức vị cao. Ngoài ra, như tôi đã nói ở trên, nếu bạn làm quen được với giáo sư ở trường bên kia và được họ viết LOR cho thì hết sức thuận lợi, trong trường hợp họ đồng ý nhận bạn thì có nghĩa là bạn có đến 90% cơ hội.
Thứ 2 là SOP hay Research Proposal, về cơ bản cả 2 thứ này đều thể hiện khả năng nghiên cứu của bạn. Tuy nhiên, người Nhật thường thích cái gì đó cụ thể, vì thế sẽ thích hợp hơn nếu thể hiện khả năng nghiên cứu của bạn thông qua việc áp dụng kiến thức để giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó mà bạn dự định làm (Research Proposal) hơn là hơn là nói về khả năng nghiên cứu, cách thức giải quyết các vấn đề , định hướng nghiên cứu (SOP).
Trên đây là những kinh nghiệm của tôi trong quá trình săn học bổng, vì vậy không thể tránh khỏi thiếu sót, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các bạn. Hi vọng các bạn tìm được cho mình những thông tin bổ ích và thiết thực. Tôi cầu chúc những bạn có mong muốn đi học ở nước ngoài thành công trên con đường săn học bổng và may mắn.
Trong trường hợp các bạn có thắc mắc và thuộc phạm vi hiểu biết của mình, tôi hứa sẽ giúp đỡ một cách nhiệt tình, và tôi cũng mong những bạn đã có học bổng hãy dành chút thì giờ giúp đỡ những bạn đang tìm kiếm học bổng để dân Việt Nam mình có thể tự hào với các dân tộc khác về truyền thống hiếu học và tinh thần đoàn kết.
Nguồn : Scholarshipplanet
Searches related to kinh nghiem san hoc bong
- kinh nghiem bet bong
- kinh nghiem danh bong
- kinh nghiem bong da
- kinh nghiem hoc tap
- kinh nghiem san hoc bong qua mang
- du hoc kinh nghiem
- kinh nghiệm xin học bổng 322