( Công tác dân vận www.c10mt.com ) "Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển đất nước". Anh (chị) hãy phân tích và chứng minh quan điểm trên. Liên hệ việc vận dụng vào thực tiễn tại cơ quan, đơn vị.
Dân chủ là phạm trù chính trị, là sản phẩm của mối quan hệ giai cấp, là một trong những hình thức tổ chức bộ máy Nhà nước của xã hội thực thi quyền lực của giai cấp thống trị.
Dân chủ XHCN ra đời như là kết quả tất yếu của lịch sử đấu tranh lâu dài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.. Sự ra đời của nền dân chủ XHCN là một bước phát triển về chất của dân chủ là sự thay thế tất yếu hợp quy luật đối với dân chủ tư sản. Dân chủ XHCN, với tư cách là một phạm trù lịch sử, nền dân chủ XHCN mang tính giai cấp và đó là bản chất giai cấp công nhân, thực thi đường lối cách mạng của giai cấp công nhân.
Đồng thời với tính giai cấp, nền dân chủ XHCN cũng mang tính nhân dân sâu sắc và rộng lớn vì lợi ích cơ bản, lâu dài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là thống nhất với nhau và do quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa dựa trên chế độ công hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu. Đây là nền dân chủ của đa số nhân dân lao động và phục vụ lợi ích của đa số, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: "Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước". Nước ta đi theo con đường XHCN, vì vậy, xây dựng nền dân chủ XHCN là vấn đề quan trọng xuyên suốt quá trình cách mạng của nước ta.
Ngay từ khi Đảng ra đời (1930) để lãnh đạo cách mạng; trong cương lĩnh chính trị đầu tiên đã nhất quán chủ trương, đường lối trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc phải xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân mà mục tiêu cốt lõi của nó là "Độc lập dân tộc, người cày có ruộng" và thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu trong lĩnh vực chính trị.
Khi chuyển sang giai đoạn cách mạng XHCN dựa trên cơ sở kế thừa nền dân chủ nhân dân đã có, phải tiến hành ngay việc xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN mà mục tiêu xuyên suốt là:”Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. So với các nước đi theo con đường dân chủ đầy sóng gió, sự phát triển dân chủ XHCN ở nước ta rất ổn định, có hiệu quả.
Nguyên nhân chính là do Đảng và Nhà nước ta luôn tuân thủ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Điều đó được thể hiện ở những mặt sau đây:
Một là, tư tưởng chiến lược chỉ đạo phát triển nền dân chủ XHCN là dựa trên lý luận dân chủ của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam làm nguyên tắc cơ bản.
Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò độc tôn lãnh đạo công cuộc phát triển nền dân chủ XHCN ở nước ta.
Ba là, cơ sở kinh tế cho việc xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần phát triển theo định hướng XHCN và từng bước hoàn thiện tiến lên kinh tế thị trường XHCN, trong đó kinh tế nhà nước với chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu giữ vai trò chủ đạo.
Bốn là, phương thức thúc đẩy công cuộc phát triển dân chủ XHCN ở nước ta là lấy dân làm gốc.
Năm là, trọng điểm công cuộc phát triển dân chủ XHCN là thường xuyên củng cố, phát triển dân chủ trong Đảng, coi dân chủ trong đảng là “hạt nhân” của dân chủ XHCN và lấy dân chủ trong Đảng thúc đẩy dân chủ trong toàn xã hội. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngày càng cao dân chủ XHCN ở nước ta, quán triệt sâu sắc quan điểm dân biết, dân bàn, dân thực hiện, dân kiểm tra.
Dân chủ XHCN ở nước ta vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Vì vậy đòi hỏi tất cả quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân. Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã chỉ rõ một trong những nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo đổi mới là xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc VN xã hội chủ nghĩa.
Trong cương lĩnh xây dựng đất nước ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII thông qua năm 1991 đã ghi: Dân chủ XHCN là bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Hiến pháp năm 1992 cũng khẳng định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và phải được thể chế hóa quyền lực đó bằng pháp luật, được pháp luật bảo hộ.
Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và công bằng xã hội đòi hỏi phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trải qua hơn 25 năm đổi mới và 20 năm thực hiện cương lĩnh 1991 nền dân chủ XHCN ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng và được thế giới thừa nhận.
Để tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, mở rộng hội nhập quốc tế, phát triển bền vững, thực hiện thành công mục tiêu “tối thượng” của cách mạng: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của Đảng đề ra, chúng ta phải coi trọng phát triển nền dân chủ XHCN vì nó là mục tiêu cơ bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đến lượt nó, nền dân chủ XHCN được phát triển và hoàn thiện lại trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy xã hội không ngừng phát triển.
Chủ nghĩa xã hội ở nước ta từ chỗ chưa chín muồi đến chín muồi, từ chỗ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện, từ chỗ chưa phát triển đến phát triển. Quá trình này cần có thời gian và môi trường ổn định, đặc biệt là ổn định chính trị, xã hội. Muốn duy trì ổn định chính trị, xã hội để tiến lên phải phát triển nền dân chủ XHCN và lấy đó làm động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện xã hội từ thấp đến cao.
Bản chất chính trị của giai cấp công nhân đòi hỏi phải dùng phương pháp dân chủ để quản lý nhà nước, cải tạo xã hội. Nhà nước XHCN là nhà nước kiểu mới trong tiến trình lịch sử, dân chủ XHCN là thực hiện quyền nhân dân làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.
Đây là bản chất tốt đẹp của nhà nước XHCN đã và đang tồn tại, phát triển ở một số nước trên thế giới, trong đó có nước ta. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta cần tự giác tuân thủ quy tắc dân chủ, xây dựng và kiện toàn thể chế dân làm chủ, hình thành trật tự dân chủ ổn định, bền vững.