• Phân tích ý nghĩa 4 quan điểm đổi mới công tác vận động quần chúng

Phân tích ý nghĩa 4 quan điểm đổi mới công tác vận động quần chúng

( Công tác dân vận www.c10mt.com ) Phân tích ý nghĩa 4 quan điểm của Nghị quyết 8B khóa VI về Đổi mới công tác vận động quần chúng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ? Để khẳng định vai trò vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận tại Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW (khóa VI) ngày 7/3/1990 đã nêu ra 4 quan điểm cơ bản về công tác Dân Vận là:

Phân tích ý nghĩa 4 quan điểm đổi mới công tác vận động quần chúng

- Một là, cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân.

- Hai là, động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân.

- Ba là, các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng.

- Bốn là, công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể.
*** Bài viết liên quan khác : Tầm quan trọng của công tác dân vận với tổ chức cơ sở Đảng

I. Một là, cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân.


Nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Đó là một sự thật hiển nhiên, được chứng minh bởi khoa học, có căn cứ l‎ý luận và thực tiễn vững chắc từ các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: "Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. 

Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng. Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc".

Trong nhân dân, đảng viên của Đảng lúc nào cũng là thiểu số, do vậy tất cả công tác của Đảng đều phải dựa vào nhân dân, tin tưởng ở nhân dân, thu hút trí tuệ của nhân dân, tôn trọng sức sáng tạo của nhân dân, đồng thời chịu sự giám sát của nhân dân.

Đảng không chỉ phải thấy rõ vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân, mà vấn đề có ‎ý ‎ nghĩa quan trọng hơn đó là còn phải biết chăm lo cái gốc của mình là quần chúng nhân dân, phải bám rễ trong nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân. 

Bất cứ lúc nào, làm gì và ở đâu, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải nhớ chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử; "Nâng thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân", "quan nhất thời, dân vạn đại". 

Bất kỳ ở đâu, trong ‎ý thức cũng như trong hành động của mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải tuân theo yêu cầu căn bản đó là phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân, "những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh"; phải phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân, nhất là lợi ích trực tiếp liên quan đến đời sống của nhân dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân... nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào trong nhân dân. 

Quán triệt sâu sắc quan điểm: sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Đảng ta tiếp tục phát huy khả năng to lớn của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân tạo nên sức mạnh cộng đồng dân tộc, để xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh vì hạnh phúc của nhân dân.

II. Hai là, động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân.


Trong tiến trình tiếp tục đổi mới và phát triển ở nước ta, cần phải nghiên cứu và giải quyết thỏa đáng những vấn đề kinh tế - xã hội liên quan trực tiếp tới quần chúng như: quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với đô thị hóa, là phân bổ, tái cơ cấu lực lượng lao động, giải quyết việc làm và không ngừng nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người lao động, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo...

Quán triệt quan điểm này, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nêu cao quan điểm vì dân trong từng chủ trương và chính sách phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng thực hiện kiềm chế lạm phát hoặc chống suy giảm kinh tế luôn đi đôi với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Điều đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, củng cố quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Trong xã hội do nhân dân làm chủ, lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích xã hội gắn chặt và thống nhất với nhau, trong đó lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp. Công tác vận động và tổ chức nhân dân chỉ có thể thành công khi Đảng, Nhà nước cùng các tổ chức khác trong hệ thống chính trị bảo vệ và đáp ứng trên thực tế những lợi ích thiết thân của người dân, từ đó kết hợp hài hòa các lợi ích, gắn chặt quyền lợi và nghĩa vụ công dân.

Trong xã hội có nhiều giai tầng khác nhau và ngay trong mỗi giai tầng cũng có nhiều nhóm xã hội khác nhau. Do đó, để tập hợp quần chúng, ngoài các tổ chức chính trị - xã hội, trong từng giai đoạn cách mạng cần có những hình thức tập hợp quần chúng phù hợp, đáp ứng nhu cầu chính đáng về nghề nghiệp và đời sống của từng nhóm, từng giai tầng, hoạt động theo hướng ích nước, lợi nhà, tương thân, tương ái, giúp nhau trong cuộc sống, trong sản xuất, kinh doanh để cùng phát triển... 

Các tổ chức quần chúng được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản và tự trang trải về tài chính được tổ chức trong phạm vi địa phương hoặc có quy mô toàn quốc, không nhất loạt giống nhau, đều được quản lý bằng pháp luật Nhà nước.

Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân - chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Tạo điều kiện xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao.

Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, lý tưởng đạo đức và lối sống nhằm cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại.

Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, Quan tâm chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để người cao tuổi hưởng thụ văn hóa, được tiếp cận thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc.

III. Ba là, các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng.


Nhằm thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng, Đảng ta bao giờ cũng coi trọng việc tổ chức, tập hợp nhân dân trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trong giai đoạn mới Đảng ta chủ trương đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, vì mấy lý do sau:

- Trong giai đoạn mới, cơ cấu giai cấp, dân cư, nghề nghiệp… có sự phát triển mới cùng với sự phát triển kinh tế thị trường. Do đó nhu cầu lợi ich của xã hội, nhu cầu về tổ chức cũng rất đa dạng.

- Để nhân lên sức mạnh của nhân dân, để xây dựng cuộc sống mới cần phải có nhiều hình thức và hoạt động thích ứng.

- Trình độ của các tầng lớp nhân dân không đồng nhất, do đó phải có cấp độ khác nhau về hình thức tập hợp.

Đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân được thể hiện trên các mặt sau đây:


- Đa dạng hóa về mặt tổ chức: Các tổ chức chính trị - xã hội  truyền thống gồm: Tổ chức liên đoàn lao động (Công đoàn), Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ. Các tổ chức mang tính xã hội, nghề nghiệp: Hội luật gia, Hội nhà báo, Hội chữ thập đỏ, Hội nuôi ong, Hội làm vườn…; Hội nhân đạo từ thiện như Hội người mù, Hội nạn nhân chất độc màu da cam, Hội bảo vệ người tàn tật và trẻ em mồ côi…; các tổ chức theo nhu cầu cầu, sở thích như: thể dục, thể thao… đây là các tổ chức tự nguyện của quần chúng nhằm giúp đỡ lẫn nhau trong lĩnh vực lao động, nghề nghiệp…đáp ứng các nhu cầu, sở thích, nhân đạo.

- Đa dạng hóa về mặt hệ thống tổ chức:

+ Không nhất thiết đoàn thể nào cũng phải có tổ chức ở 4 cấp, mà tùy theo tình hình, nhiệm vụ có thể chỉ tổ chức 1 hoặc 2 cấp. Có tổ chức chỉ có ở địa phương này mà không có ở địa phương khác trong một thời gian nhất định hòan thành một công việc rồi tự giải thể, cũng có tổ chức chỉ phát triển ở cơ sở như Hội cha mẹ học sinh…

+ Không nhất thiết phải tổ chức thành Hội, đoàn mà tập hợp nhân dân bằng nhiều hình thức khác như: câu lạc bộ, các loại quỹ, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tương trợ…

+ Các tổ chức chính trị xã hội cũng phải đa dạng hóa về nhiều hình thức tổ chức và tập hợp nhằm phát huy vai trò nòng cốt, sáng tạo của các đoàn thể theo nhu cầu, nguyện vọng của từng đối tượng quần chúng ở cơ sở…

+ Xu hướng chung là sẽ có nhiều tổ chức mới ra đời. Vấn đề đặt ra là ở đâu có sự tập hợp quần chúng ở đó phải có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Ở đâu có sự tập hợp của quần chúng ở đó có sự lãnh đạo của Đảng, tuyệt đối không được buông lỏng.

IV. Bốn là, công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể.


Quan điểm này xác định chủ thể tiến hành công tác dân vận. Bác Hồ đã chỉ rõ: "Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân, đều phải phụ trách dân vận. Đảng ta chỉ rõ: "Công tác quần chúng không chỉ là trách nhiệm của các đoàn thể, mà còn là trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, có sự phối hợp với nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà nước đều phải làm công tác quần chúng theo chức trách của mình".

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhằm tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tổ chức thực hiện và động viên quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân" và theo phương châm "tất cả hướng đến quần chúng nhân dân, phục vụ quần chúng nhân dân".

Công tác vận động quần chúng không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của các đoàn thể nhân dân, mà còn là trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, cần phải thường xuyên phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mọi cán bộ, đảng viên đều phải làm công tác quần chúng theo chức trách của mình.

Đây không chỉ là một trong những phương thức cơ bản để đổi mới, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà còn là phương thức trong cuộc đấu tranh quyết liệt của các lực lượng cách mạng chống lại các thế lực thù địch trên các lĩnh vực để vận động và tổ chức nhân dân tự giác đi theo con đường cách mạng, đập tan những âm mưu và thủ đoạn nhằm chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân.


Nguyễn Thanh Tâm Google Search Box
https://www.c10mt.com

Phân tích ý nghĩa 4 quan điểm đổi mới công tác vận động quần chúng

Bạn đang xem một trong các bài viết tại Chuyên Mục Chinh-Tri. Và đây là địa chỉ link bài viết http://www.c10mt.com/2015/10/phan-tich-y-nghia-4-quan-diem-doi-moi-cong-tac-van-dong-quan-chung.html . Tâm Gà xin cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này. Đừng quên nhấn LIKE Chia Sẻ để ủng hộ Tâm Gà nếu bài viết có ích !
Saturday, October 3, 2015 DMCA com Protection Status