( Công tác dân vận www.c10mt.com ) Phân tích về phong cách cán bộ: "Trọng dân, gần dân, học dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân". Quá trình công tác tại cơ sở, Anh (Chị) đã vận dụng thực hiện quan điểm trên vào thực tiễn công tác dân vận như thế nào ?
I. Khái niệm Dân vận
Để dành thắng lợi, theo C.Mác và Ph.Ăngghen phải có 2 điều kiện: Một là, giai cấp công nhân phải xây dựng một chính đảng độc lập của mình. Hai là, phải tuyên truyền, thuyết phục làm cho quần chúng hiểu và tham gia một cách tự giác vào cuộc đấu tranh thì cách mạng thành công. V.I.Lênin khẳng định: Một là, Chúng ta cần những đảng viên có liên hệ thường xuyên với quần chúng và biết lãnh đạo quần chúng. Hai là, muốn phục vụ quần chúng và đại biểu cho lợi ích của họ, thì đội tiên phong phải tiến hành toàn bộ hoạt động trong quần chúng.
Trong tác phẩm "Dân vận" đăng trên tờ Sự thật, ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Ðoàn thể đã giao cho". Như vậy, "dân vận", hiểu theo nghĩa giản dị nhất - chính là công tác tuyên truyền và vận động nhân dân.
Đảng cộng sản Việt Nam: Công tác dân vận là toàn bộ các hoạt động của Đảng đối với quần chúng, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo cho lợi ích thiết thực của nhân dân, huy động tối đa lực lượng toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng. Công tác dân vận: Công tác dân vận của Đảng là toàn bộ hoạt động của Đảng nhằm tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, được thể hiện bằng việc vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua Nhà nước XHCN, các tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, và vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
II. Vai trò của nhân dân:
Xuất phát từ việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin; kế thừa và phát triển những tinh hoa của triết học phương Đông lẫn phương Tây cũng như những tư tưởng tiến bộ của ông cha ta về nhân dân. Đây là một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ chí Minh về vai trò, vị trí của nhân dân. Ngay từ xa xưa, Ông cha ta đã quan niệm: "Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân" (Nguyễn Trãi). Vì vậy, dân là gốc (chứ không phải lấy dân làm gốc) và quan niệm rằng: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc, bền rễ, đó là thượng sách giữ nước" (Trần quốc Tuấn). Tức là phải chăm lo cho dân, dân có giàu thì nước mới mạnh, nước mạnh thì mới giữ được nước…
- Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định nhân dân là người sáng tạo ra mọi của cải vật chất và những giá trị tinh thần - nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển xã hội. Nhân dân là lực lượng cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những quan điểm rất độc đáo:
Thứ nhất, Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, là "Tối thượng". "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân".
Thứ hai, Dân là gốc của cách mạng. "Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên". Hoặc là: "Nước lấy dân làm gốc... Gốc có vững, cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân".
Thứ ba, Dân là chủ, mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Dân chủ phải được hiểu là quyền con người, quyền được mưu cầu hạnh phúc như nhau. Muốn vận động được dân thì điều cơ bản đầu tiên là phải dân chủ, tức là phải làm cho dân biết làm chủ, hiểu được quyền và nghĩa vụ của người làm chủ, đó là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết được mọi khó khăn.
III. Tầm quan trọng của công tác dân vận:
Thứ nhất, là nhiệm vụ mang tính chiến lược, xuyên suốt các thời kỳ cách mạng của Đảng CSVN; Thứ hai là một nhiệm vụ cấp bách; Thứ ba, xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết; Thứ tư, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
- Trọng dân: Nhân dân là nguồn bổ sung lực lượng vô tận cho Đảng và luôn luôn tràn trề sức xuân. Trọng dân là thương dân, vì nhân dân mà phục vụ và biết coi trọng sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Quần chúng còn tham gia góp ý, phê bình sự lãnh đạo của Đảng với mong muốn Đảng luôn luôn trong sạch và vững mạnh để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đến đích cuối cùng. Có trọng dân thì người cán bộ mới thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân; mới đến với dân như người thầy, người chủ của mình.
- Gần dân: là đòi hỏi khách quan của người cán bộ dân vận. Những người có phong cách gần dân sẽ tránh được căn bệnh quan liêu, hách dịch, mệnh lệnh. Có gần dân thì mới hiểu được cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân và do đó mới tham mưu đúng, tham mưu trúng cho cấp ủy đảng, chính quyền những chủ trương, chính sách phù hợp với lòng dân.
- Hiểu dân: Đối với đội ngũ cán bộ, hiểu sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải làm cho đông đảo quần chúng hiểu đúng, tổ chức cho quần chúng thực hiện đúng và hiệu quả. Muốn vậy, cán bộ phải luôn sâu sát quần chúng, để học cách nói, cách viết, cách làm việc sao cho hợp với quần chúng. Đội ngũ cán bộ trong mọi công tác phải luôn ghi nhớ phương châm "sát quần chúng, hợp quần chúng", giải quyết những vấn đề thiết thực có liên quan cụ thể tới đời sống của quần chúng - đó mới là một người cán bộ thực sự sâu sát quần chúng, thực sự hiểu dân, yêu dân.
- Học dân: Người cán bộ phải không ngại khó khăn, gian khổ, đi tiên phong trên tất cả các lĩnh vực, làm gương trong mọi hành động, việc làm, không ngừng rèn luyện phẩm chất: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Đối với mình, phải không tự cao, tự đại, kiêu ngạo mà luôn học tập, cầu tiến, luôn tự kiểm điểm, tự phê bình để phát triển điều hay, sửa đối điều dở của bản thân. Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc để việc công lên trước việc tư, đã phụ trách việc gì thì phải tận tâm, tận lực, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, phải học dân, nhân dân chính là người thầy vĩ đại học không bao giờ hết.
Muốn "học dân" thì người cán bộ phải hết sức khiêm tốn, cầu thị, biết lắng nghe, không được tự cho mình cái gì cũng biết. Chính nhân dân là những người sáng suốt, có rất nhiều kinh nghiệm trong đối nhân xử thế, sáng tạo ra cuộc sống, làm nên lịch sử.
Có trách nhiệm với dân: Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Chủ tịch HCM yêu cầu, vừa phải thực hiện đạo đức công dân, vừa thực hiện đạo đức của người cán bộ - đạo đức cách mạng, nghĩa là: "Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân". Xuất phát từ quan niệm "dân là chủ và dân làm chủ"; Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Chính phủ, cán bộ, công chức nhà nước là công bộc của dân, phải nêu cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân.
Cán bộ dân vận muốn thật sự đến với dân, muốn trở thành người đầy tớ của dân thì phải có trách nhiệm với dân, nghĩa là mọi việc đều vì hạnh phúc của nhân dân; việc gì có lợi cho dân thì cương quyết làm; việc gì có hại cho dân thì cương quyết tránh. Có gần dân thì mới được dân tin, học được dân và nghe được dân nói thật. Đồng thời, cán bộ dân vận phải tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để dân hiểu và thực hiện. Còn làm để dân tin chính là tác phong gương mẫu trong hành động; nói đi đôi với làm; cán bộ dân vận không thể nói mà không làm hoặc nói một đằng, làm một nẻo.