Dinh Độc Lập (tên gọi trước đây là dinh Norodom, ngày nay còn gọi là dinh Thống Nhất hay hội trường Thống Nhất) là một công trình kiến trúc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, nó đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
I. Lịch sử hình thành DINH ĐỘC LẬP
Dinh Thống Đốc làm bằng gỗ giữa bạt ngàn cây xanh, được xây dựng bề thế vào năm 1863 (1858 Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng). Năm 1868, chiếm xong Nam Kỳ Lục Tỉnh, Thực dân Pháp cho xây lại Dinh Thống Đốc (theo đồ án tòa thị sảnh Hồng Kông) và đặt tên là Dinh Norodom (Quốc Vương của CAMPHUCHIA bây giờ - ông nội của Thái Thượng Hoàng Sihanouk của Campuchia hiện nay).
Gần như mọi vật liệu xây dựng được chở từ Pháp sang.
Từ năm 1887, là Dinh Toàn Quyền Đông Dương. Tháng 3/1945, là nơi làm việc của Phát Xít Nhật tại Việt Nam. 6 tháng sau, người Pháp tái chiếm Nam Bộ. Năm 1954 là cơ quan đầu não của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa với tên gọi Dinh Độc Lập là nơi ở và làm việc của Tổng Thống nên có người gọi là "Dinh Tổng Thống" cho đến 30.4.1975.
Từ tháng 11.1975 có tên gọi mới là Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh (Dinh Độc lập) – được xếp hạng là Di Tích Quốc Gia đặc biệt. Công trình hiện nay được khởi công vào năm 1962 theo đồ án thiết kế của Khôi Nguyên La Mã – Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và hoàn thành năm 1966. Công trình cao 26m, có diện tích xây dựng 4.500m2, diện tích sử dụng 20.000m2 gồm 3 tầng chính, 1 sân thượng, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và 1 sân thượng làm sân bay trực thăng.
Dinh hiện nay được giới hạn bởi 4 trục đường chính đó là:
- Ðường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở phía Ðông Bắc (mặt chính của Dinh)
- Ðường Huyền Trân Công Chúa ở phía Tây Nam (mặt sau của Dinh)
- Ðường Nguyễn Thị Minh Khai ở phía Tây Bắc (phía bên trái Dinh)
- Ðường Nguyễn Du ở phía Ðông Nam (phía bên phải Dinh)
Khuôn viên Dinh Độc Lập rộng 12ha với gần 2.000 cây xanh của 99 loài khác nhau. Nhiều cây cổ thụ trên trăm tuổi; nhiều cây quí như Trắc, Gõ Đỏ, Gõ Mật, Giáng Hương, Cẩm Lai, Sao Đen, Kim Giao… Phía trước là 2 công viên cây xanh. Từ trên máy bay, Dinh Độc Lập là một tổng thể kiến trúc độc đáo; hài hòa, có thể nói là đẹp nhất Việt Nam. Điểm độc đáo mà dinh Độc Lập luôn gây ấn tượng mạnh với khách tham quan chính là "bức rèm hoa đá".
"Bức rèm" là hệ thống lam nắng bao phủ suốt mặt tiền Dinh mang hình khối cách điệu như các đốt của cây trúc gợi nhớ đến làng quê VN. Hàng rèm hoa đá dọc ngang mạnh mẽ lẫn dịu dàng, mềm mại là tác phẩm của điêu khắc sư Nguyễn Văn Thế, Á nguyên giải La Mã về điêu khắc. Bức rèm hình đốt trúc không chỉ đặc sắc về hình thể, nó còn là một biện pháp kỹ thuật để thu được tối đa ánh sáng mặt trời phía đông trong khi mặt tiền dinh thự quay về hướng Đông Bắc ít mặt trời. Ý nghĩa sâu xa của hình tượng đốt trúc: Đốt trúc tượng trưng cho người đàn ông, bậc chính nhân quân tử; thân đốt thon vào tượng trưng cho lưng người phụ nữ VN, thắt đáy lưng ong, hay lam hay làm, tảo tần mưa nắng.
*** Tầng 1 của Dinh Độc Lập TPHCM
Khi bước chân vào tầng 1, nhìn bên tay phải, ta sẽ thấy có một tấm biển ghi "PHÒNG HỌP NỘI CÁC". Trong phòng thảm được trải màu xanh, nhằm giảm bớt căng thẳng, với bộ bàn ghế tròn nhằm tạo sự bình đẳng không ai đứng đầu. Tại đây, vào năm 1975, tổng tham mưu Trương Quốc Phòng và Tướng Cao Văn Hiên cùng toàn bộ Nội các chính quyền Sài Gòn họp tại đây nhằm bàn kế hoạch chống quân Giải Phóng.
Nhìn về phía tay trái đó là "PHÒNG ĐẠI YẾN". Tổng thể phòng có màu vàng thể hiện sự trang trọng, vui tươi, uy quyền của Nguyễn Văn Thiệu. Bộ bàn ghế dài ở giữa là ghế của Nguyễn Văn Thiệu. Phòng này có bức tranh "SƠM HÀ CẨM TÚ – THÁI BÌNH THẢO MỘC" được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ với ý nghĩa non song gấm vóc thái bình, cây cỏ tốt tươi. Đây chỉ là bản sao chép, bản gốc được bảo quản và trùng tu tại Bảo tàng Hà Nội. Phòng này dùng để chiêu đãi những buổi tiệc lớn. Đầu năm 1976, nơi đây là trụ sở làm việc của UBND Thành phố.
Ở giữa tầng 1, vào bên trong, là căn phòng to nhất trong Dinh, "PHÒNG KHÁNH TIẾT". Phòng trải thảm đỏ, thể hiện uy quyền và sức mạnh. Ghế Tổng thống đặt bên trái, Ghế Thượng khác đặt đối diện, hai bên là dãy ghế của Thư ký. Đây là phòng chính quyền Sài Gòn dùng để hội họp với những nghi lễ long trọng. Tháng 11 năm 1975, Hội nghị Hiệp thương thống nhất hai miền Nam Bắc diễn ra trọng thể tại đây. Do đó Dinh Độc Lập đổi thành Dinh Thống Nhất.
*** Tầng 2 của Dinh Độc Lập TPHCM
Bước lên cầu thang chúng ta thấy có "PHÒNG BẢN ĐỒ", nơi Tổng thống làm việc và đưa ra những kế hoạch tác chiến. "PHÒNG LÀM VIỆC CỦA TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HÒA" được trải thảm đỏ, nổi bật với bức tranh vẽ cảnh biển Ninh Chữ của Phạm Cơ, vì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quê gốc Ninh Thuận. Bên hông phòng có cánh cửa màu nâu để Tổng thống thoát hiểm khi có sự cố xảy ra.
"PHÒNG TIẾP KHÁCH NƯỚC NGOÀI" và "PHÒNG TIẾP KHÁCH TRONG NƯỚC" CỦA TỔNG THỐNG nằm sát nhau, và trái ngược nhau. "PHÒNG TIẾP KHÁCH NƯỚC NGOÀI" có ghế màu đỏ. Ghế Tổng thống bên trái, cao hơn so với các ghế khác, có ba sọc. Đối diện là ghế Thượng khách. Chỉ có hai ghế này là đặc biệt vì có chạm hình Rồng ở thành và tay ghế. Hai hàng ghế hai bên dành cho Thư ký và Trợ lý được chạm trổ khác nhau. Tại đây có cặp ngà voi thật, thể hiện uy quyền và sức mạnh của Tổng thống.
"PHÒNG TIẾP KHÁCH TRONG NƯỚC" có màu vàng, tất cả ghế được đặt ngang hàng nhau. Ở đây có cầu thang trung tâm đi xuống tầng hầm. Nơi đây, vào lúc 8h sáng ngày tháng năm 1975, Trung úy phi công Nguyễn Thành Trung đã lái máy bay ném bom phá hỏng khu vực này, sau đó bay về vùng giải phóng.
"PHÒNG TIẾP KHÁCH CỦA PHÓ TỔNG THỐNG CAO KỲ và TRẦN VĂN HƯƠNG" dùng tiếp khách chính phủ. Tất cả được trang trí màu vàng, bên trong có bức tranh của họa sĩ Thái Văn Ngôn kể về sự tích vua Trần Nhân Tông khi cùng con gái đi dạo, gặp người hành khất; vua đã cởi áo tặng cho người đó. Bức tranh thứ hai tả cảnh Văn Miếu ở Hà Nội.
"PHÒNG TRÌNH QUỐC THƯ", ở phòng này tất cả đều được trang trí bằng sơn mài. Xung quanh phòng có 8 ống đồng lớn, biểu tượng cho 8 ngọn đuốc. Khi tiếp khách, 8 ngọn đuốc sẽ được thắp sáng thể hiện sự long trọng. Trong phòng, màu chủ đạo là màu vàng. Nổi bật có bức tranh sơm mài nhỏ, tả lại cảnh sinh hoạt của nhân dân từ thế kỷ 15 của họa sĩ Nguyễn Văn Minh.
Sau đó là vườn tiểu cảnh để cho gia đình Tổng thống thư giãn. "PHÒNG CẦU NGUYỆN" luôn buông kín rèm vì cả gia đình Tổng thống theo đạo Thiên chúa. "PHÒNG NGỦ CỦA GIA ĐÌNH TỔNG THỐNG" và vợ Nguyễn Thị Mai Anh, con gái Nguyễn Thị Tuấn Anh, con trai Nguyễn Quang Lộc. "PHÒNG ĂN", phòng này có 2 chiếc bàn. Bàn tròn là nơi gia đình Nguyễn Văn Thiệu dùng bữa hằng ngày; bàn dài là nơi tiếp khách thân mật, bạn bè của Tổng thống đến dùng bữa.
*** Tầng 3 của Dinh Độc Lập TPHCM
Tầng này có tên là "Câu lạc bộ" vì đây là nơi vui chơi giải trí hằng ngày của gia đình Tổng thống. "PHÒNG THƯ VIỆN" là phòng đọc sách của Tổng thống với hơn 2500 quyển sách với nhiều thứ tiếng Pháp, Anh, Hoa… "PHÒNG TIẾP KHÁCH CỦA PHU NHÂN TỔNG THỐNG" được trang trí bởi hai hình đối lập nhau.
Phía bàn dài được trang trí bức tranh lập thể, theo phương thức phương Tây. Phía bàn tròn được trang trí bởi ba bức tượng Phúc - Lộc - Thọ theo hình thức Á Đông. Phía sau có SÂN ĐÁP TRỰC THĂNG và "PHÒNG CHIẾU PHIM" với đầy đủ những tiện nghi tối tân cho gia đình Tổng thống thưởng thức những bộ phim hay.
"PHÒNG GIẢI TRÍ" là nơi tổng thống chơi bài. Ở góc phòng này có một quầy rượu. Bàn tròn ở giữa dùng để chơi bài Tây. Bộ bàn vuông ở góc phòng dùng để chơi mạt chược Trung Quốc. Cuối hành lanh lầu 3 là tranh CẢNH VƯỜN THÔNG ĐÀ LẠT, được phục chế năm 1990, các bức tranh dân tộc Tây Nguyên là quà tặng cho Dinh sau năm 1975.
*** Tầng 4 của Dinh Độc Lập TPHCM
Là tầng cao nhất của Dinh, cách mặt đất 26 mét có tên gọi "TỨ PHƯƠNG VÔ SỰ LẦU", nghĩa là bốn phương lộng gió - không vướng vận gì; được thiết kế dành cho Tổng thống nghỉ ngơi những lúc căng thẳng; không bài trí bất cứ vật dụng gì trong đây và mở thoáng ra thiên nhiên, đây là nơi dành cho vị Nguyên Thủ cảm thông với đất trời; tự suy ngẫm xem lại bổn phận mình với quốc gia dân tộc . Tiếc rằng Nguyễn Văn Thiệu đã không hiểu điều đó biến nó thành sàn nhảy . Ở tầng này còn có BÃI ĐÁP TRỰC THĂNG UH1 của Tổng thống và QUẦY GIẢI KHÁT. Bãi đáp trực thăng, cũng nơi đây Trung Tá Nguyễn Thành Trung đã ném 2 quả bom (tại 2 vòng tròn màu đỏ.
*** Tầng hầm của Dinh Độc Lập TPHCM
Là nơi điều hành bộ máy chiến tranh quy mô và hiện đại của chính quyền Sài Gòn chống lại Cách mạng với PHÒNG THAM MƯU TÁC CHIẾN cùng ĐÀI PHÁT THANH DỰ PHÒNG…; là nợi trú ẩn an toàn của gia đình Tổng Thống khi có chiến sự xảy ra; còn có chức năng thông gió và điều hòa nhiệt độ. Toàn bộ tầng hầm được làm bằng bê tong, cốt thép; cách mặt đất 1 mét, sức chịu đựng 500kg bom.
PHÒNG THAM MƯU TÁC CHIẾN. Là nơi bàn bạc tất cả kế hoạch tác chiến của quân đội Cộng Hòa miền Nam Việt Nam. Tại đây chính quyền Sài Gòn cũng theo dõi các quân đội của khu vực miền Bắc Việt Nam dực vào các bản đổ trên tường. Bên trái là bản đồ Việt Nam với vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước làm 2 miền. Tiếp đến là bản đồ miền Nam Việt Nam.
Bên phải là bản đồ tài liệu mật, thống kê quân đội Mỹ tham chiến năm 1968. Quân đội Mỹ ở Việt Nam có khi tăng lên tới 500.000 người. Phòng còn có bản đồ Bốn vùng chiến thuật, phía sau là Bản đồ Thủ đô. ĐÀI PHÁT THANH DỰ PHÒNG. Phòng này để máy vô tuyến điện, hệ thống giải mã, truyền tin… Tất cả các máy móc do người Mỹ cung cấp, thuộc hàng hiện đại nhất bấy giờ (những năm 1960).
Trước mắt tôi là máy phát thanh dự bị, dùng để thay thế cho máy kia khi gặp sự cố. Bên tay phải là tuyến điện thoại liên lạc với Bốn vùng chiến thuật. Bên tay trái là máy Vô tuyến điện để lien lạc với Bộ Tư lệnh Thành phố. "PHÒNG LÀM VIỆC VÀ NGHĨ NGƠI CỦA TỔNG THỐNG". Tại đây có nhiều bản đồ và hệ thống máy điện thoại; Tổng thống có thể nghe Phòng Tham mưu tác chiến trực tiếp báo tin khi cần thiết. Từ đây Tổng thống có thể chỉ huy chiến trường và theo dõi các hoạt động của Đồng minh.
*** Tầng trệt của Dinh Độc Lập TPHCM
"NHÀ BẾP" được trang bị hiện đại với bếp ga, máy nướng bánh, máy xay thịt,.. có thể phục vụ 500 người được đưa lên lầu bằng thang máy. Ở tầng này còn có khu vực trưng bày những hình ảnh lien quan đến Dinh. "PHÒNG TẬP BẮN", "PHÒNG CHIẾU PHIM" bằng tiếng Anh, Hoa, Pháp, Việt. Dinh Độc Lập từng là cơ quan đầu não của Chính quyền Sài Gòn xưa, là nơi đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử to lớn, nơi Nguyễn Văn Thiệu từng đưa ra những chính sách phản lại lòng dân. Nhưng điều gì đến cũng đã đến, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thành công. Vào 10h45’ ngày 30/4/1975, xe tăng mang biển số 843 đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh, tiếp đó là xe mang biển số 390 húc cổng chính tiến vào Dinh 11h30’ cùng ngày.
Trung úy Bùi Quan Thận, đại đội trưởng chỉ huy xe 843 đã hạ lá cờ sọc xuống, kéo lá cờ Giải phóng miền Nam Việt Nam lên, kết thúc 30 năm đấu tranh gian khổ của quân và dân ta, đúng như ý nguyện của Bác, nhân dân hai miền sum họp. Ngày nay, Dinh Độc Lập là một điểm tham quan lịch sử quan trọng thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan; một chứng tích lịch sử cho thế hệ mai sau đến học tập và gìn giữ.